Hơn 8.541 thành viên tham gia tổ dân vận
Để cụ hóa chủ trương của Đảng, tư tưởng Dân vận của Bác Hồ và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới, trên cơ sở Hướng dẫn 80-HD/BDVTW, ngày 28/02/2012 của Ban Dân vận Trung ương về việc thành lập và hoạt động của tổ dân vận thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư (viết tắt là Hướng dẫn 80), ban dân vận các cấp đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy tổ chức tuyên truyền, quán triệt Hướng dẫn 80 gắn với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận… về công tác dân vận bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy cùng cấp đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập, củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.104 tổ dân vận với tổng số 8.541 thành viên. Trong đó, bí thư chi bộ làm tổ trưởng; trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận làm tổ phó. Các thành viên tổ dân vận gồm: chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, chi hội trưởng chi hội nông dân, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi, phó trưởng thôn, thôn đội trưởng, công an viên, người có uy tín, già làng, một số trưởng dòng họ. Mỗi tổ dân vận có từ 7 đến 10 thành viên.
Công tác dân vận phải sâu sát cơ sở
Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thông qua việc vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vận động nhân dân tích cực xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước ở thôn; xây dựng nếp sống trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống, việc cưới việc tang, các lễ nghi dân gian; kiên quyết đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… là những việc làm thiết thực và ý nghĩa của tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được các thành viên tổ dân vận thực hiện với phương châm đi sâu, đi sát cơ sở, tận tình hướng dẫn cho người dân hiểu, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến đền bù giải tỏa, xây dựng nông thôn mới, về phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo,… Trong năm 2021, 2022 trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổ dân vận đã làm tốt công tác tuyên truyền không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, đồng thời đã kịp thời nắm bắt và tham mưu cho cấp ủy giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tuyên truyền, định hướng thông tin cho nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Chủ động phối hợp với các Tổ COVID cộng đồng giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; các thành viên tổ dân vận tích cực tham gia các tổ kiểm soát dịch tại khu dân cư, vận động nhân dân cam kết về phòng, chống dịch, tham gia các hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch.
Các thành viên của tổ dân vận thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh, kịp thời tham mưu, đề xuất chi bộ giải quyết; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tư vấn và giải quyết tốt nhiều vấn đề nảy sinh ở cơ sở, qua đó góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.078 tổ hòa giải với 6.168 hòa giải viên tại các thôn, bản, tổ dân phố. Chỉ tính riêng trong năm 2022 đã tiến hành 1.055 vụ hòa giải, trong đó có 742 vụ hòa giải thành, đạt tỷ lệ 70,3%.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” các tổ dân vận đã tích cực tham gia giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các tổ dân vận ở thôn, bản, tổ dân phố đã cùng nhân dân tham gia, kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch đã đề ra, việc tổ chức hoạt động của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội… Đặc biệt, là dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm của địa phương được công khai những khoản do nhân dân đóng góp để tham gia giám sát tổ chức thực hiện; việc tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại địa phương; quá trình tổ chức thực hiện công trình, kết quả nghiệm thu và thanh quyết toán công trình do nhân dân đóng góp xây dựng và các chương trình, dự án do Nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ trực tiếp cho địa phương; các công trình của cấp trên triển khai trên địa bàn các xã, phường, thị trấn có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh, trật tự, văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường và đời sống của nhân dân địa phương; thu, chi các loại quỹ và lệ phí theo quy định của Nhà nước, các khoản đóng góp của nhân dân; việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công…được công khai bàn bạc, thống nhất thực hiện.
Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước
Tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố đã tích cực phối hợp với ban công tác mặt trận thôn, bản, tổ dân phố, các chi đoàn, chi hội của các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của Trung ương, tỉnh, địa phương phát động. Nổi bật như ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành hoạt động thường xuyên được nhân dân tích cực tham gia. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.034 khu dân cư được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 93,4%; có 298.732/314.440 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 95%. Các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của tổ dân vận, đến nay 100% thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng thôn, cụm dân cư đạt chuẩn về an ninh trật tự và đã có 95% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự.
Việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; xây dựng các mô hình “Huế - Thành phố 4 mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”... ngày càng được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Một số mô hình nổi bật đã được nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng như các mô hình trong thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật vì cộng đồng”, mô hình “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng, bản không rác”, “Tổ phụ nữ không có chồng, con nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”, “Tổ tự quản phòng, chống tội phạm”, “Tổ tự phòng, tự quản, tự bảo vệ", “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”, “Huế - không tiếng còi xe”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”…
Hiệu quả hoạt động của các tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hà Lam