Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đoàn viên, hội viên, Nhân dân về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng được nâng lên; nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện phong trào được tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh; qua đó, đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng, triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Biến rác thành tiền” ở nhiều địa phương. Việc thu gom rác, phân loại rác tại nguồn từ những vỏ nước ngọt, lon bia, đồ nhựa hỏng, giấy báo,… được hội viên phụ nữ tích cực tham gia. Thông qua mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi. Đồng thời, số tiền thu được từ mô hình, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã có thêm kinh phí để hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn từng bước cải thiện cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã thành lập 73 mô hình “Biến rác thành tiền”, 47 mô hình IMO, nâng tổng số mô hình “Biến rác thành tiền” toàn tỉnh lên 695 mô hình và 370 mô hình IMO.
Mô hình “Đổi rác lấy quà” của Đoàn thanh niên tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Nông dân Thừa Thiên Huế nói không với bao bì thuốc bảo vệ thực vật và đốt rơm rạ trên đồng ruộng”. Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã tổ chức lắp đặt 50 bảng tên, pano tuyên truyền về việc bỏ rác thải thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định tại các đội sản xuất trên địa bàn xã, phường, xây mới 05 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng được đặt tại các đồng ruộng. 100% cơ sở Hội đã hưởng ứng thực hiện ra quân dọn vệ sinh các tuyến đường với chiều dài 425,3 km, trồng 4.110 cây xanh, cây dừa ven biển; khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh đang triển khai thực hiện dự án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Mô hình điểm hội viên nông dân tham gia thu gom, phân loại và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn”. Đây là mô hình có ý nghĩa nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong hội viên nông dân và toàn thể người dân trong công tác phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường nông thôn, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tận dụng phế phẩm trong sinh hoạt hàng ngày tạo thành phân bón hữu cơ, hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong duy trì, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hội viên nông dân Thành phố Huế, huyện Phú Vang… đã xây dựng được nhiều mô hình ủ phân từ rác hữu cơ; mô hình tái sử dụng vải áo cũ làm túi bọc quả phòng chống sâu bệnh cho cây ăn trái; mô hình nông nghiệp xanh kết hợp du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực.
Đoàn thanh niên tỉnh tích cực tổ chức thực hiện Đề án “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” với chủ đề năm 2024 “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế sống xanh, sống đẹp, sống có ích” gắn với tổ chức các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm từng tháng và tổ chức đồng loạt ra quân Ngày Chủ nhật xanh tại các địa phương, đơn vị. Toàn tỉnh đã thành lập mới 141 Đội hình thanh niên tình nguyện “Vì một Huế xanh” tại 141 xã, phường, thị trấn; thực hiện hiệu quả mô hình “Đổi rác lấy quà”, ”Dòng Hương xanh”; trồng cây xanh trên các tuyến đường ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh... Tính đến 6 tháng đầu năm 2024, đoàn thanh niên các cấp đã trồng mới hơn 173.658 cây xanh; đảm nhận thực hiện 17 km đường giao thông nông thôn, nạo vét 22 km kênh mương nội đồng, sửa chữa lắp đặt mới hơn 15 công trình Ánh sáng đường quê, Ánh sáng nông thôn mới, duy trì và xây dựng 223 tuyến đường nông thôn kiểu mẫu... tổng trị giá hơn 6,6 tỷ đồng.
Với những cách làm hay, sáng tạo, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong bảo vệ môi trường đã góp phần thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Hà Lam