Kính thưa đồng chí Bùi Thanh Hà, UVTV, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy!
Kính thưa quý vị đại biểu !
Thưa tất cả các đồng chí !
Trong không khí chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và chào đón Xuân 2016. Hôm nay, Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 - 03/01/2016). Thay mặt Đảng bộ, Cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí cán bộ văn thư - lưu trữ đang công tác và đã nghĩ hưu của các cơ quan đơn vị trực thuộc; Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.
Kính thưa các đồng chí !
Cách đây 70 năm, vào ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 01C/VP gửi các Bộ trưởng của Chính phủ lâm thời để định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, của công chức trong việc giữ gìn an toàn tài liệu. Thông đạt thực sự đã đặt nền móng cho sự ra đời của ngành Lưu trữ Việt Nam và nêu lên nội dung cơ bản nhất của nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ của quốc gia; nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ, là một văn kiện có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển công tác lưu trữ của nước ta.
Kính thưa các đồng chí!
Theo tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, thời kỳ phong kiến triều Nguyễn tại Huế có Tàng thư lâu được xây dựng từ năm 1825. Đây là kho lưu trữ đầu tiên có tính chất quốc gia. Thời kỳ Pháp thuộc, ngày 29/11/1917, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được thành lập. Lần đầu tiên, Việt Nam có một cơ quan quản lý chung về công tác lưu trữ và thư viện. Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng của Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương chưa lớn, chưa rộng khắp, tài liệu lưu trữ thời kỳ này được xem như là tài sản riêng phục vụ cho nhà nước của giai cấp thống trị, xa lạ với những lợi ích chính đáng của quần chúng lao động. Vì vậy, công tác lưu trữ nước ta trong những thời kỳ trước năm 1945 vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa có đủ những điều kiện để phát triển một cách toàn diện và vững chắc.
Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh tiến cử Giám đốc và thành lập Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc - cơ quan làm chức năng quản lý công tác lưu trữ cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đây là một sự kiện đáng ghi nhận trong quá trình phát triển của ngành Lưu trữ Việt Nam. Sự kiện đó khẳng định Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác lưu trữ, mà trước hết là vấn đề xây dựng hệ thống tổ chức lưu trữ.
Tuy nhiên, do điều kiện cả dân tộc phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên vai trò của Nha Lưu trữ công văn và thư viện toàn quốc chưa được phát huy và hoạt động của cơ quan này đã sớm bị gián đoạn. Sau khi giành chính quyền, một hiện tượng phổ biến xảy ra ở các công sở là hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ để lại đã bị một số viên chức tùy tiện tiêu hủy. Vì vậy, ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/VP, nhằm ngăn chặn tình trạng hủy bỏ tài liệu lưu trữ quý giá. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa to lớn của tài liệu lưu trữ là “có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”, đồng thời định rõ trách nhiệm của mỗi người đứng đầu cơ quan, mỗi công chức trong việc giữ gìn an toàn tài liệu. Ở văn kiện quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao giá trị của tài liệu lưu trữ và phê phán nghiêm khắc hiện tượng tùy tiện loại hủy tài liệu, mà còn nêu lên những nguyên tắc, chế độ đối với công tác lưu trữ, đối với những hồ sơ, tài liệu thực sự không có giá trị, muốn tiêu hủy phải tuân thủ theo một quy định nghiêm ngặt: “cấm không được hủy những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ” và còn đưa ra phương thức về quản lý hồ sơ, tài liệu của quốc gia: “…hồ sơ hoặc công văn không cần dùng, sau này sẽ gửi về những Sở Lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để tàng trữ”.
Trải qua hơn bảy thập kỷ, ngành Lưu trữ Việt Nam đã phát triển và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đã từng bước kiện toàn và hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ quốc gia; soạn thảo, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và phát triển ngành lưu trữ Việt Nam. Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, Luật Lưu trữ đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012, đây là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý tài liệu lưu trữ và đội ngũ những người làm công tác lưu trữ, góp phần đưa công tác lưu trữ của Việt Nam tiến kịp với khu vực và thế giới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa.
Kính thưa các đồng chí!
Ngành lưu trữ Đảng của Thừa Thiên Huế được tồn tại và song hành cùng quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh. Đã lưu trữ một kho tài liệu quý giá, ghi dấu lại truyền thống cách mạng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế. Những kỳ tích, dấu ấn, những trang lịch sử đó đã được ghi lại, lưu trữ đầy đủ, thể hiện tính thần anh dũng, bất khuất, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để viết lên những trang sử hào hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đồng thời cũng phản ánh một cách chân thật, sinh động, chính xác quá trình xây dựng, phát triển của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi thống nhất đất nước ở trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh thông qua khối tài liệu lưu trữ của Đảng bộ tỉnh.
Trong giai đoạn 1935-1954, có hơn 359 hồ sơ, khoảng hơn 15.600 trang tài liệu ghi lại sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đảng bộ, chi bộ ở Thừa Thiên đối với nhân dân trong việc xây dựng, bảo vệ chính quyền và chống thực dân Pháp xâm lược; phản ánh quá trình ra đời, phát triển của đảng bộ tỉnh, sự nghiệp đấu tranh vô cùng anh dũng của nhân dân Thừa Thiên; ghi lại chặng đường lịch sử đầy vinh quang nhưng cũng hết sức gian khổ từ những ngày đầu gây dựng tổ chức cơ sở, cao trào cách mạng 1930 - 1931, trong thời kỳ đấu tranh khôi phục, lãnh đạo nhân dân đòi quyền dân chủ dân sinh làm nên một cách mạng tháng 8 mùa thu 1945 lịch sử.
Giai đoạn 1954-1975, tổng cộng có 652 hồ sơ, khoảng hơn 40.000 trang tài liệu. Khối tài liệu này được thu thập, chỉnh lý khoa học, hoàn chỉnh hơn, phản ánh quá trình hoạt động tương đối dài của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với những chặng đường đấu tranh gay go khốc liệt, tinh thần anh dũng kiên cường đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; thắng lợi vẻ vang của cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân (Xuân 68); đến chiến dịch Đại thắng mùa Xuân 1975…đã đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong ba ngọn cờ đầu của chiến tranh nhân dân chống Mỹ ở miền Nam.
Ngoài những nội dung nêu trên, khối phông tài liệu lịch sử trong giai đoạn này còn có hàng ngàn trang tài liệu ghi lại quá trình thử thách và rèn luyện của đội ngũ cán bộ tỉnh nhà, kế tiếp nhau trong lãnh đạo phong trào cách mạng, có những đồng chí đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, quân đội tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Đức Anh, Hoàng Anh… Bên cạnh đó, còn phản ánh tình hình vừa đấu tranh vừa củng cố địa phương từ đồng bằng đến miền núi trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa thể hiện qua các kỳ đại hội (từ đại hội lần thứ III đến lần thứ V).
Giai đoạn 1975-1991, sau khi nước nhà thống nhất, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành 1 tỉnh; khối tài liệu với hơn 1.500 hồ sơ trong giai đoạn này đã phản ánh quá trình hoạt động 10 năm xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên sau giải phóng, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng và Nhà nước, Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên đã trải qua bốn kỳ Đại hội, lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, khắc phục hậu quả sau chiến tranh cùng với cả nước đưa sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa đạt những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn cách mạng mới.
Giai đoạn 1991-2014, với hơn 8.400 hồ sơ tài liệu, bao gồm khối lượng các văn kiện đại hội, nghị quyết, chỉ thị, thông báo, báo cáo…của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các kỳ Đại hội, phản ánh đầy đủ quá trình hoạt động của Đảng bộ trong công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đất nước nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Ngoài ra, kho Lưu trữ Tỉnh ủy đã tập trung quản lý được các thành phần tài liệu cơ bản, quan trọng nhất là tài liệu các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh; tài liệu của Tỉnh ủy; của các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy, các Đảng ủy trực thuộc, Báo Thừa Thiên Huế, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh; các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.
Thưa các đồng chí!
Đối với ngành lưu trữ Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã trải qua những thăng trầm của lịch sử đầy khó khăn, gian khổ, nhưng với khí thế cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn, ngành lưu trữ của tỉnh đã từng bước xây dựng hệ thống tổ chức, tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cán bộ, nhân viên tận tâm tận lực, nhiệt huyết với công việc thầm lặng này đưa ngành lưu trữ Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế có vị trí, vai trò trong toàn quốc, góp phần nâng cao giá trị tài liệu lưu trữ của Đảng, làm phong phú thêm cho Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với những giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy. Vì vậy, trong những năm qua, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế luôn quan tâm chỉ đạo công tác lưu trữ, nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ trên mọi lĩnh vực. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng về tầm quan trọng đối với công tác lưu trữ; chỉ đạo việc thành lập các kho lưu trữ cấp ủy, tổ chức bộ máy, nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đầu tư trang thiết bị, các phương tiện bảo quản, đảm bảo cho công tác lưu trữ của đảng, kịp thời phục vụ có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy các cấp và toàn xã hội.
Hệ thống kho lưu trữ từ tỉnh đến huyện từng bước quan tâm xây dựng, phát triển đồng bộ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Lưu trữ Đảng, đến nay có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Kho lưu trữ (Thừa Thiên Huế là 1 trong 43 tỉnh, thành đã thành lập xong kho lưu trữ cấp huyện).
Thành phần tài liệu ở các kho lưu trữ thường xuyên được chỉnh lý, phân loại bổ sung đầy đủ, đáp ứng lượng thông tin phong phú, đa dạng phục vụ kịp thời, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo hàng ngày của các cấp ủy; ngoài ra đã phục vụ tốt việc khai thác để viết lịch sử đảng bộ các địa phương, lịch sử các ngành; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy; thực hiện chế độ chính sách cán bộ, giải quyết đơn thư...Tài liệu lưu trữ của Đảng ngày càng khẳng định được giá trị trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới của tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lưu trữ được quan tâm, các kho lưu trữ từ tỉnh đến huyện đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu văn kiện Đảng, mục lục hồ sơ đáp ứng yêu cầu quản lý, tra tìm và khai thác có hiệu quả thông tin tài liệu phục vụ nhanh chóng, kịp thời, chính xác cho các cấp ủy.
Có thể nói, công tác lưu trữ Đảng của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng được khẳng định vị thế, vai trò và tầm quan trọng. Ghi nhận từng bước trưởng thành và những thành tích đạt được, Văn phòng Trung ương đã nhiều năm liền tặng Cờ thi đua “đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong công tác văn thư lưu trữ” cho Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và các cá nhân xuất sắc khác.
Kính thưa các đồng chí!
Tại buổi gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 70 năm ngày Lưu trữ Việt Nam hôm nay, cho phép tôi thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Lưu trữ Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, xin chân thành cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy mà trực tiếp là Thường trực Tỉnh ủy, của tập thể lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đã dành sự quan tâm đặc biệt tới sự phát triển của công tác lưu trữ Đảng; xin cảm ơn các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các Ban của tỉnh ủy, Báo Thừa Thiên Huế, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian qua đã hợp tác, giúp đỡ và tạo điều kiện để công tác lưu trữ của Đảng, của các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh đạt được những bước tiến như ngày hôm nay.
Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, cùng các thế hệ cán bộ, nhân viên văn thư - lưu trữ mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin chân thành cám ơn.
Tinhuytthue.vn