Đảng thực hiện cơ chế “tự kiểm soát” bằng các hình thức sinh hoạt đảng, như tự phê bình và phê bình, tuân thủ kỷ luật đảng, tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng từ chi bộ, đảng bộ cơ sở đến Trung ương theo Điều lệ Đảng và các quy định khác của Đảng. Khái quát lại thì cơ chế kiểm soát trong Đảng được thiết lập và quy định trong Điều lệ Đảng như sau:
Một là, cơ chế ủy quyền,“Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo Đảng giữa hai kỳ Đại hội là Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra. Ban Chấp hành Trung ương bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Bộ Chính trị thực hiện lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết Đại hội, nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo công việc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.
Hai là, hoạt động của Đảng đều tuân theo nguyên tắc đa số: Thiểu số phục tùng đa số. Nghị quyết chỉ có giá trị khi có hơn một nửa số thành viên tán thành. Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng: Cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Đại hội Đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
Ba là, kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Ủy ban kiểm tra các cấp do cấp ủy bầu, gồm một số đồng chí trong cấp ủy và một số đồng chí ngoài cấp ủy. Ủy ban kiểm tra làm việc theo chế độ tập trung dân chủ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp và sự chỉ đạo, kiểm tra của ủy ban kiểm tra cấp trên.
Kiểm soát quyền lực trong Đảng nhằm bảo đảm thực hiện quyền lực đúng mục đích, hiệu quả, củng cố sức mạnh của Đảng. Yêu cầu của kiểm soát quyền lực trong Đảng là phải phát huy được sức mạnh của chủ thể kiểm soát quyền lực trong Đảng; bảo đảm các phương thức kiểm soát được áp dụng có khả năng ngăn chặn, xử lý được các hành vi lạm quyền; đảm bảo các vị trí quyền lực trong Đảng có thể bị thay thế khi không thực hiện được mục tiêu mà Đảng phân công.
Chủ thể kiểm soát quyền lực trong Đảng bao gồm: Đảng viên (đảng viên không nắm giữ các chức danh quyền lực trong Đảng; đảng viên được ủy quyền nắm giữ các chức danh quyền lực trong Đảng); tổ chức đảng các cấp (tổ chức đảng kiểm soát quyền lực đảng viên; tổ chức đảng kiểm soát quyền lực của các tổ chức đảng khác).
Đối tượng kiểm soát quyền lực trong Đảng là: Các đảng viên được ủy quyền (kiểm soát các quyết định; kiểm soát hành vi); các tổ chức đảng được ủy quyền (kiểm soát quá trình đề ra chủ trương, đường lối; kiểm soát công tác cán bộ; kiểm soát công tác tuyên truyền, giáo dục; kiểm soát công tác kiểm tra, giám sát).
Nội dung cơ bản về kiểm soát quyền lực trong Đảng bao gồm:
1) Kiểm soát quyền lực trong quy trình ra quyết định trong Đảng: Kiểm soát bước triệu tập hội nghị; kiểm soát bước thảo luận, đóng góp ý kiến; kiểm soát bước quyết định các dự thảo; kiểm soát bước thông qua quyết định.
2) Kiểm soát quyền lực trong quy trình thực hiện các quyết định trong Đảng: Kiểm soát các bước tổ chức thực hiện; kiểm soát quyết định, hành vi chủ thể thực hiện quyết định.
3) Kiểm soát quyền lực trong quy trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định trong Đảng: Kiểm soát nội dung hoạt động kiểm tra, giám sát; kiểm soát nội dung kiểm tra, giám sát; kiểm soát quá trình thực hiện; kiểm soát xử lý sai phạm.
Phương thức chủ yếu kiểm soát quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay bao gồm: Kiểm soát bằng thể chế (kiểm soát bằng Điều lệ Đảng; kiểm soát bằng các văn bản trong Đảng; kiểm soát bằng kê khai tài sản; kiểm soát bằng phiếu tín nhiệm...); kiểm soát bằng các phương thức kiểm soát mềm (kiểm soát bằng tuyên truyền; kiểm soát bằng giáo dục; kiểm soát bằng nêu gương; kiểm soát bằng phê bình và tự phê bình...).
Yếu tố chủ yếu tác động đến kiểm soát quyền lực trong Đảng, có thể khái quát bao gồm:
1) Yếu tố văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị là yếu tố thực hiện kiểm soát quyền lực mang tính mềm. Thông qua hệ thống các giá trị, văn hóa chính trị tác động đến các chủ thể cầm quyền bằng hình thức giáo dục, điều chỉnh hành vi từ đó góp phần chủ thể quyền lực tự điều chỉnh hành vi, quyết định chính trị phù hợp.
2) Hệ thống thể chế. Thể chế chính trị là yếu tố kiểm soát quyền lực cứng. Thể chế có vai trò rất quan trọng trong hạn chế hành vi của các chủ thể quyền lực không vượt quá giới hạn quyền lực được ủy quyền.
Đặc trưng chủ yếu về quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có thể nhận diện là: Quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam có nguồn gốc từ sự lựa chọn của lịch sử và nhân dân Việt Nam. Quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam là quyền lực chế định trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 4) đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình. Ngoài ra, Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, theo quy định tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013.
Quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam là quyền lực lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả lực lượng vũ trang. Thực tế cho thấy, những vấn đề đặt ra về kiểm soát quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang nổi lên, có thể khái quát như sau:
- Kiểm soát quyền lực trong quy trình ra quyết định trong Đảng còn bất cập như: Việc ra quyết định phụ thuộc rất lớn vào những người đứng đầu cấp ủy; các quyết định trong Đảng phụ thuộc nhiều vào năng lực của những người có trách nhiệm soạn thảo các văn kiện của Đảng; phụ thuộc số liệu thực tế. Các số liệu thực tế là bằng chứng rất quan trọng trong việc xác định vấn đề cần đề để ra quyết định trong Đảng; các quyết định trong Đảng chưa thật sự có sự phản biện, đóng góp của các chuyên gia, các tổ chức thành viên khác từ các tổ chức chính trị - xã hội.
- Kiểm soát quyền lực trong quy trình tổ chức thực hiện các quyết định trong Đảng còn bất cập như: Quá trình tổ chức và thực hiện các quyết định trong Đảng phụ thuộc rất lớn vào ý chí của những người nắm giữ quyền lực ở cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy; trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm của của những người được “ủy quyền” trong Đảng chưa cao.
- Kiểm soát quyền lực trong quy trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định trong Đảng còn bất cập như: Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng phụ thuộc rất lớn vào quyết định của các tổ chức đảng, đảng viên được ủy quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy; trong quá trình thực hiện quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng đã bộc lộ mối quan hệ quyền lực rằng buộc, chi phối giữa các cá nhân, tổ chức đảng này với cá nhân, tổ chức đảng khác làm cho những người thực hiện nhiệm vụ này khó có thể thực hiện một cách khách quan dẫn đến tình trạng đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tồn tại tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy...
Trong điều kiện mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập quốc tế; cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại tác động mạnh mẽ đến tổ chức, bộ máy và hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và Nhà nước; áp lực phải đổi mới, hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và Nhà nước do ảnh hưởng từ toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế; tác động của kinh tế tri thức đến tổ chức, bộ máy và hoạt động của các đảng cầm quyền và Nhà nước trên thế giới hiện nay; xu thế dân chủ hoá trên thế giới buộc các đảng cầm quyền và nhà nước phải thay đổi trên nhiều phương diện; các xu thế lớn trên thế giới trong đổi mới tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động của các đảng cầm quyền và Nhà nước trên thế giới hiện nay đã đặt ra một thách thức lớn là rất cần thay đổi cách tiếp cận về kiểm soát quyền lực trong Đảng:
1) Kiểm soát quyền lực phải được thực hiện theo nguyên lý cốt lõi là chủ thể nào trao quyền thì có quyền kiểm soát quyền lực của đối tượng được trao quyền.
2) Thay đổi nhận thức về tính tất yếu của kiểm soát quyền lực trong Đảng. Tính tất yếu của kiểm soát quyền lực trong Đảng xuất phát từ các yêu cầu khách quan đó là: Khi quyền lực được tổ chức; các hình thức kiểm soát quyền lực đang được thực hiện trong Đảng là chưa đủ; xuất phát từ nhu cầu củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; xuất phát từ sự tác động của các yếu tố tác động dẫn đến sự tha hóa quyền lực trong Đảng.
3) Thay đổi nhận thức về kiểm soát quyền lực trong Đảng để trở thành yếu tố nội lực hướng đến sự phát triển hoàn thiện của Đảng. Các đảng viên không nắm giữ các vị trí quyền lực cần nhận thức rõ vai trò của họ đối với việc kiểm soát các chức danh quyền lực trong Đảng. Những người nắm giữ các chức danh quyền lực trong Đảng phải chấp nhận sự thay đổi.
4) Thay đổi nhận thức về sự phân định quyền lực lãnh đạo của Đảng và quyền lực quản lý của Nhà nước. Lãnh đạo là hoạt động đề ra chủ trương, đường lối, nghị quyết, bằng thuyết phục, dẫn dắt, thuyết phục... Quản lý là hoạt động thiết lập các chiến lược, điều phối con người để hoàn thành mục tiêu của mình thông qua việc áp dụng các nguồn lực có sẵn.
Như vậy, thực hiện kiểm soát quyền lực đối với các chức danh quyền lực được “ủy quyền” trong Đảng, rất cần chú trọng thực hiện đầy đủ quyền lực của đảng viên đi đôi với nâng cao văn hóa chính trị cho đảng viên. Song hành với nó, cần chú ý:
- Thực hiện kiểm soát quyền lực trong quy trình ra quyết định trong Đảng: Kiểm soát quyền lực đối với đảng viên nắm giữ các chức danh quyền lực cao nhất trong các tổ chức đảng, cần phải xác định rõ giới hạn của “sự ủy quyền” và cần xây dựng cơ chế đối trọng về quyền lực đối với các chức danh quyền lực lớn nhất trong các tổ chức đảng. Kiểm soát quyền lực đối với các tổ chức đảng được “ủy quyền” cần tiếp tục hoàn thiện quy trình thể chế hóa việc thông qua các quyết định đồng thời phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Thực hiện đầy đủ các quyền quan trọng của đảng viên như: Quyền bầu cử, ứng cử, tự phê bình và phê bình, quyền chất vấn,... Nâng cao văn hóa chính trị cho đảng viên, cần kiểm soát được quyền lực cá nhân của những đảng viên được phân công thực hiện nhiệm vụ trong quá trình ra quyết định trong Đảng, giảm thiểu các yếu tố chủ quan, đề cao tính khoa học trong quá trình ra quyết định trong Đảng, thống nhất mục tiêu chính trị và nhu cầu thực tiễn trong việc ra quyết định trong Đảng. Tăng cường tính phản biện đối với quá trình ra quyết định trong Đảng.
- Tăng cường kiểm soát quyền lực trong Đảng trong quy trình tổ chức thực hiện các quyết định trong Đảng: Hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Ngoài vấn đề về thể chế, sự lạm quyền của các chức danh quyền lực trong Đảng còn xuất phát từ yếu tố chủ quan của con người. Xây dựng và thực hiện nghiêm quy định giải trình trong Đảng. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy định về chịu trách nhiệm.
- Thực hiện kiểm soát quyền lực trong quy trình kiểm tra, giám sát thực hiện các quyết định trong Đảng: Kiểm soát được quyết định, hành vi của chính những người làm công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; hoàn chỉnh quy trình, phương pháp, kiểm tra, giám sát; tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện làm việc cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát.
Những trình bày trên cho thấy thực tế kiểm soát quyền lực trong nội bộ là nhu cầu tự thân trong hoạt động của Đảng cầm quyền hiện nay, đang đòi hỏi được nghiên cứu, luận giải tường minh hơn nữa, góp phần nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng phù hợp với điều kiện mới.
http://ubkttw.vn