1573
+ aa -

Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 16/08/2021 10:32
Vĩ đại Mẹ Việt Nam anh hùng
Chiến tranh đã qua đi, đất nước được độc lập, tự do. Quê hương, đất nước đang đổi thay từng ngày. Những gì tốt đẹp cho dù là nhỏ nhất mà chúng ta có được hôm nay đều phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của các thế hệ cha anh đi trước cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Tập sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thừa Thiên Huế” - Tập III

Hiện cả nước có gần 5.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống trong tổng số hơn 139.000 Bà mẹ VNAH. Rất nhiều Mẹ đang ở trong tình trạng tuổi cao, sức yếu. Mặc dù vậy, với ý chí và nghị lực phi thường, các Mẹ đã vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật để cùng sống vui, sống khỏe và động viên con cháu tích cực học tập, lao động và cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Trên quê hương Thừa Thiên Huế, gần 30.000 cán bộ, chiến sĩ các tỉnh, thành trong cả nước hy sinh, trong đó có hơn 19.000 liệt sĩ trong tỉnh. Và biết bao người mẹ, người vợ đã hiến dâng người chồng, người con, cho sự trường tồn của đất nước. Đến nay, nhân dân Thừa Thiên Huế vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý - Bà mẹ VNAH cho 2.392 Mẹ. Để tỏ lòng tri ơn công lao trời biển của các Mẹ, từ năm 2002 cho đến năm 2019, tỉnh đã biên soạn và phát hành 5 tập sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Lần giở những trang sách viết về các Bà mẹ VNAH, mỗi cuộc đời của Mẹ thấm đẫm nước mắt nhưng rất đỗi tự hào. Trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, biết bao người Mẹ tiễn con, người vợ tiễn chồng ra mặt trận và cũng biết bao lần đã khóc khô cạn nước mắt khi các anh, các chị đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ. Nhiều anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, có anh chỉ vừa 15, 16 tuổi. Nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các anh hùng liệt sĩ, của các Mẹ đã trở thành tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ đời đời ghi nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc.

“Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Hết chống Pháp rồi đến chống Mỹ, rồi chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, lớp lớp Việt Nam người ra trận. Mẹ Trần Thị Đỉnh, quê quán xã Phú Đa, Phú Vang, gia đình Mẹ có bảy người hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (chồng và 6 người con); con gái của Mẹ Đỉnh là chị Vương Thị Lành được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Mẹ Nguyễn Thị Diệp ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy có chín người con thì cả chín người đều tham gia kháng chiến chống Mỹ. Và trong cuộc chiến đầy khốc liệt đó 6 người con của Mẹ đã anh dũng hy sinh, hai người con là thương binh. Mẹ Trương Thị Khiêm ở Lộc Vĩnh, Phú Lộc có chồng và 5 người con đã anh dũng ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhiều Mẹ có 5 người thân (con hoặc chồng và con) đã ngã xuống vì đất nước, như: Mẹ Nguyễn Thi Di, Mẹ Nguyễn Thị Cà, Mẹ Trần Thị Chẻo, Mẹ Nguyễn Thị Hỉm, Mẹ Nguyễn Thị Nguyệt (Phong Điền); Mẹ Phạm Thị Tuyết, Mẹ Dương Thị Bề, Mẹ Lại Thị Giảng, Mẹ Nguyễn Thị Hoằng, Mẹ Phạm Thị Quỳnh (Phú Vang); Mẹ Lê Thị Lựu (Thành phố Huế)… Đau xót và tang tóc dồn đến với Mẹ khi nhiều người thân yêu hy sinh chỉ trong một năm…

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, các đồng chí: Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho các thân nhân.

Nhiều Mẹ không chỉ động viên chồng ra trận mà chỉ có người con duy nhất nhưng vẫn tạo điều kiện cho con lên đường đánh giặc. Chồng và con của Mẹ đã mãi mãi không trở về để lại trong lòng Mẹ bao thương nhớ khôn nguôi. Nhiều Mẹ không chỉ có chồng, con tham gia kháng chiến và hy sinh mà bản thân Mẹ tham gia hoạt động cách mạng, là cơ sở liên lạc, làm hầm nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực cho bộ đội, tham gia vào đội du kích cầm súng đánh giặc và Mẹ đã anh dũng hy sinh…

Làm sao kể hết được sự mất mát, hy sinh to lớn của anh hùng, liệt sĩ, các Mẹ VNAH của quê hương Thừa Thiên Huế, của dân tộc Việt Nam. Các Mẹ luôn xứng đáng với tám chữ vàng do Bác Hồ khen tặng cho phụ nữ Việt Nam:“Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

“Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Sau 21 năm dài bền bỉ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc bằng Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước được hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng chăm lo đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thức, ý nghĩa như phụng dưỡng cho các Mẹ VNAH còn sống và xây dựng Nhà tình nghĩa cho các Mẹ để các Mẹ “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần”, điều mà Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn. Dù năm tháng có đi qua, nhưng sự hy sinh của các Mẹ VNAH luôn sống mãi trong lòng non sông, đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ những hy sinh, công lao trời biển của các Mẹ VNAH trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:“Nhân dân ta rất biết ơn các Bà Mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của đất nước ta”. Vĩ đại thay Mẹ Việt Nam anh hùng!

Xuân Nguyện