5500
+ aa -

Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 10/11/2017 07:32
Thừa Thiên Huế: Những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020”, việc triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị xã hội.

Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 43- KH/TU, ngày 26/4/2013 chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó, các cấp, các ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

 

Công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm chú trọng bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHXH, BHYT. Nhờ đó, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT toàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng theo từng năm. Tính đến ngày 30/6/2017, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 111.131 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 15.662 người (16,41%) so với năm 2012; có 1.403 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 806 người (135,01%) so với năm 2012; tỷ lệ người tham gia BHXH chiếm 21,25% lực lượng lao động trong toàn tỉnh; có 100.297 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 17.667 người (21,38%) so với thời điểm năm 2012; có 1.076.029 người tham gia BHYT, tăng 253.757 người (30,86%) so với năm 2012, đạt tỷ lệ 93,58% dân số toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Đáng chú ý, số thu BHXH, BHYT, BHTN trong những năm qua luôn vượt chỉ tiêu, kế hoạch BHXH Việt Nam giao, riêng năm 2016 đạt trên 2.278 tỷ đồng. Giải quyết kịp thời, đúng quy định cho đối tượng hưởng chế độ BHXH, BHTN. Tổng số chi trả chế độ BHXH, BHTN hàng năm rất lớn, riêng năm 2016, đã chi trên 3.030 tỷ đồng.

 

 

Bảo hiểm xã hội cũng đã phối hợp với ngành Y tế, các ngành liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả BHXH, BHYT, công tác khám chữa bệnh BHYT tại các tuyến, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, BHYT đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia BHXH, BHYT, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hồ sơ, đem lại sự hài lòng cho đơn vị, đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị ở Thừa Thiên Huế vẫn tồn tại một số hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư về công tác BHXH, BHYT đạt hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH và BHTN còn thấp. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT chưa được khắc phục...

 

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 43-KH/TU, ngày 26/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục phối hợp với BHXH và các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, góp phần thúc đẩy mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020.

 

Tinhuytthue.vn