986
+ aa -

Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 15/09/2017 08:52
Tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam và những giá trị trong thời đại hiện nay
Một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và thắng lợi (7/11/1917 - 7/11/2017). Đây là sự kiện làm rung chuyển thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của nhân loại. Lần đầu tiên liên minh công nhân - nông dân - binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra nhà nước Xô Viết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Không chỉ đối với nước Nga, Cách mạng Tháng Mười có ảnh hưởng sâu sắc tiến trình lịch sử của nhân loại từ thế kỷ XX cho đến nay. Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức, đập tan hệ thống xiềng xích của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Với sự giúp đỡ trực tiếp và gián tiếp của Liên Xô, cách mạng nhiều nước đã thành công. Trong đó có cách mạng Việt Nam.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã khẳng định sự đúng đắn, tính cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác được Lênin vận dụng, bổ sung một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn của nước Nga. Đó là hệ tư tưởng cách mạng và khoa học của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đang gặp khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng, thì chính lúc này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đọc được Luận cương của Lênin “Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa”. Từ đó, Người  đã khẳng định: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”.

 

Nghiên cứu sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung lãnh đạo, vận động và chuẩn bị các điều kiện để thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam dựa trên các nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của Lênin. Ngày 03/02/1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam ra đời để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình: lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam giành độc lập, tự do, chèo lái “con thuyền cách mạng” đến bến bờ vinh quang.

 

Thực tiễn đã chứng minh, Cách mạng Tháng Mười Nga là nhân tố khách quan quan trọng góp phần tạo nên thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Mười, nhà nước Xô Viết ngày càng lớn mạnh, từ một nước nông nghiệp lạc hậu đã trở thành cường quốc công nghiệp thứ 2 thế giới. Đứng trước cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhân dân Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đã tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc; đồng thời cùng với nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới đã tấn công và đập tan mối đe doạ từ chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Với sự kiện ngày 15/8/1945, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh đã tạo ra cơ hội “ngàn năm có một” để chúng ta tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đầu tiên thắng lợi ở một nước thuộc địa, là cuộc cách mạng vô sản thứ hai, sau Cách mạng Tháng Mười.

 

Lãnh tụ Đảng Bolshevik V.I. Lênin tuyên bố thành lập Chính quyền Xô viết Nga tại Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai, ngày 7/11/1917, tại Điện Smolny. Nguồn: TTXVN

 

Như vậy, có thể nói Cách mạng Tháng Mười Nga đã tác động mạnh mẽ đến cách mạng Việt Nam từ việc chỉ ra con đường cứu nước đúng đắn, thành lập chính đảng vô sản của giai cấp công nhân, đến sự can thiệp của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ 2 đã tạo ra thời cơ thuận lợi để dân tộc Việt Nam vùng lên phá tan xiềng xích của thực dân, phong kiến.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, được sự ủng hộ của Liên Xô, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào và Campuchia.  

 

Trong công cuộc xây dựng đất nước, qua thực tiễn xây dựng CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc và kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở ViệtNam. Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đã quyết định công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH.

 

Ngày nay, với sự sụp đổ hệ thống XHCN, các thế lực thù địch đã và đang chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận mọi ý nghĩa, thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự chống phá của các thế lực thù địch càng quyết liệt thì càng khẳng định những giá trị, chân lý trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga. Thực tiễn đã chứng minh và đập tan những quan điểm sai trái cho rằng Cách mạng Tháng Mười là sản phẩm sai lầm của lịch sử. Mà sự tan rã của Liên Xô xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, những hạn chế và khiếm khuyết của mô hình XHCN hiện thực ở Liên Xô chậm và không được khắc phục là nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô Viết. Phân tích nguyên nhân thất bại, những bài học kinh nghiệm, những giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười và từ thực tiễn xây dựng nhà nước Xô Viết sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực cho việc xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, những bài học đắt giá về quá trình “tự chuyển biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc và chúng ta đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”  để góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội - con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định. 

 

Bích Ngọc