425
+ aa -

Tin tức - Sự kiện

Cập nhật lúc : 02/10/2020 16:28
Bài diễn văn của đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu
Sáng ngày 02/10, tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020). Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh đăng toàn văn bài diễn văn của đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Kính thưa đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương!

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương!

Kính thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương!

Kính thưa đại diện gia tộc đồng chí Tố Hữu!       

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa toàn thể đồng bào và các đồng chí!

Hôm nay, giữa thành phố Huế anh hùng, thành phố di sản, chúng ta thành kính và trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu, một nhà hoạt động chính trị tài năng, kiên trung; một nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta; một nhà thơ lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, người đã phấn đấu không ngừng và cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi xin trân trọng gửi đến các đồng chí Lãnh đạo, quý vị đại biểu, đại diện gia tộc đồng chí Tố Hữu, các đồng chí, đồng bào lời chào mừng và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Kính thưa đồng bào, đồng chí!

Thưa quý vị đại biểu!

Đồng chí Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920  trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học. Ngay từ thuở nhỏ, đồng chí Tố Hữu đã sớm phải chứng kiến những cảnh đời cơ cực, đời sống nhân dân lầm than dưới chế độ thực dân, phong kiến, đồng chí đã sớm nung nấu ý chí căm thù giặc, khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.

Mười ba tuổi bước chân vào trường Quốc Học Huế, từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, Đồng chí Tố Hữu đã được tiếp cận với tư tưởng của Các Mác, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh…Đặc biệt là được sự dìu dắt, giúp đỡ của các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, đồng chí Tố Hữu từng bước được giác ngộ và đến với chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1936, đồng chí gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. Ngay năm sau đó, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương rồi được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách tuyên truyền và thanh niên.

Tháng 4/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam vào Lao Thừa Phủ Huế và bị kết án 2 năm tù. Ở trong tù, đồng chí tiếp tục đấu tranh, bị chính quyền thực dân tăng án và đày đi Lao Bảo, Buôn Ma Thuột rồi vào trại tập trung Đăc Lay, Kom Tum.

 Năm 1942, đồng chí Tố Hữu vượt ngục Đăc Lay ra gây dựng cơ sở tại Thanh Hóa, rồi được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Đến tháng 8/1945, đồng chí nhận nhiệm vụ trở lại quê hương Thừa Thiên Huế để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí đã cùng với Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa giành lại chính quyền thành công ở Huế - Kinh đô của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, đầu não của chính quyền bù nhìn, là nơi đóng quân và bộ máy tối cao của cố vấn Nhật.

Năm 1946, một lần nữa đồng chí được cử ra làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa rồi được điều động ra Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ. Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng rồi sau đó được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng như: Giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Phủ Thủ tướng (1952); Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền (1954); Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1955); Bí thư Trung ương Đảng (1960); Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương và Trưởng ban Khoa học - Giáo dục Trung ương, Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (1976 - 1980), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (1980); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng quốc phòng (1981 - 1986)…

Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà thơ, đồng chí Tố Hữu đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của dân tộc. Trong kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí luôn có mặt ở tiền tuyến như một chiến sĩ xung phong, đã nhiều lần tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Bắc. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cùng với đồng chí, đồng bào cả nước, đồng chí Tố Hữu đã không quản ngại gian lao, nguy hiểm sẵn sàng xông pha trên trên mọi mặt trận để viết nên những câu thơ hùng tráng về tiền tuyến lớn tạo sức lay động mạnh mẽ đến toàn quân, toàn dân ta, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng cách mạng chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao phó đảm nhận công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng trong nhiều năm, đồng chí Tố Hữu đã luôn thể hiện phẩm chất cao quý là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng. Đồng chí đã đem khát vọng, lý tưởng, ý chí cách mạng và tâm hồn thi sĩ nồng nàn của mình cống hiến và làm sâu sắc, phong phú cho lĩnh vực hoạt động đặc biệt này. Là Tư lệnh của một binh chủng tinh nhuệ đặc biệt, mỗi một hoạt động, từ tuyên truyền, cổ động đến mỗi bài viết, bài hát, bài thơ hay đều có sức mạnh như những vũ khí, như những sư đoàn… Được Đảng phát hiện tài năng và giao trọng trách này, đồng chí Tố Hữu đã say sưa, tâm huyết cùng đồng chí, đồng đội làm việc tận tụy ngày đêm trong một lĩnh vực tưởng như vô hình mà lại vô cùng hữu ích. Chiến thắng của đất nước là chiến thắng của những con người được giáo dục, rèn luyện chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng thời đại mới, kế tục truyền thống mấy ngàn năm đánh giặc giữ nước của cha ông. Đó là thành công của công tác tư tưởng của Đảng và trong một thời gian dài, công tác đó dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tố Hữu, nhà tuyên huấn biệt tài.

Là tấm gương mẫu mực thực hiện xuất sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đồng chí Tố Hữu không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân, mà còn là người lính xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy. Đồng chí đã trực tiếp góp phần động viên, tập hợp, tổ chức và phát triển một lực lượng văn nghệ sỹ hùng hậu từ Bắc vào Nam, những chiến sĩ trung kiên trên mặt trận văn hóa - văn nghệ; đưa lực lượng này trở thành một binh chủng quan trọng trong công cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Đảng.

Trong công cuộc xây dựng xã hội mới, đồng chí Tố Hữu luôn thể hiện là người dám chịu trách nhiệm, góp phần vào những quyết định táo bạo, đầy sáng tạo để xóa bỏ cơ chế đã không còn thích hợp với sự phát triển của thời đại. Với cương vị là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ trong giai đoạn đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, đồng chí Tố Hữu đã có những đóng góp vào việc hình thành nhiều chủ trương, chính sách đổi mới kinh tế quan trọng do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội 6.

Không chỉ dừng lại ở nhà hoạt động chính trị, đồng chí Tố Hữu còn là một nhà thơ lớn, có công khai sáng và dẫn dắt nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ của Tố Hữu luôn gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân. Đó là sự gặp gỡ đẹp đẽ giữa thơ với đất nước, thơ với cách mạng và Đảng, thơ với Nhân dân, đúng như tâm sự của đồng chí Tố Hữu: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi “Trăm năm duyên kiếp: ĐẢNG VÀ THƠ”.

Những tác phẩm của đồng chí Tố Hữu là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình, có tính tư tưởng cao. Mỗi tập thơ của Tố Hữu đánh dấu một chặng đường lịch sử, từ khi có “Mặt trời chân lý” của Đảng soi rọi, từ những ngày đầu hoạt động bí mật ở Huế đến thơ trong lao tù của chế độ thực dân; thơ trong những ngày Cách mạng tháng Tám ở Huế đến cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ “máu trộn bùn non”; thơ ở chiến khu Việt Bắc, rồi đến thơ trong Chiến thắng Điện Biên Phủ; thơ trong 21 năm đất nước bị chia cắt làm hai miền cho đến ngày toàn thắng, rồi đến những ngày hòa bình… Đồng chí Tố Hữu viết bài “Huế tháng Tám” khi ông là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên Huế. Bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” được ra đời ngay sau những ngày toàn quân và toàn dân dồn sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ. “Ta đi tới” và “Việt Bắc” là những bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tự hào khôn tả của những ngày cùng Trung ương Đảng và Bác trở lại thủ đô sau chín năm kháng chiến.

Đồng chí Tố Hữu là nhà thơ có nhiều bài thơ hay nhất về Bác Hồ, có sức sống lâu dài đến tận ngày nay và mai sau. Chính đồng chí Tố Hữu đã góp phần khắc họa chân dung, nuôi dưỡng tình yêu thương và niềm tôn kính đối với Bác Hồ trong hàng triệu trái tim thông qua các tác phẩm như: “Hồ Chí Minh”, “Sáng tháng Năm”, “Bác ơi”, “Theo chân Bác”…

Ngoài những bài thơ yêu nước đậm chất sử thi, thơ của đồng chí Tố Hữu còn là sự chia sẻ, cảm thông những số phận, những cuộc đời đau khổ. Thơ của đồng chí là thơ từ trái tim đến với trái tim, là tiếng gọi kết đoàn, là sức mạnh tinh thần của nhiều thế hệ con người Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuyên suốt các tập thơ: Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa…, đồng chí Tố Hữu được Nhân dân tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu”, “một viên ngọc trong nền Văn hóa Việt Nam”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”...

Kính thưa đồng bào, đồng chí!

Đồng chí Tố Hữu thuộc thế hệ những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, tài năng, mẫu mực của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí gắn liền với chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng kiên cường không mệt mỏi, dấu chân đồng chí đã in lên khắp các chiến trường và mọi miền của Tổ quốc, từ thành thị đến nông thôn. Dấu ấn cống hiến đồng chí đã để lại trên khắp các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, văn hóa.

Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong lao tù đế quốc, trên chiến trường ác liệt hay trước những nhiệm vụ mới khó khăn, phức tạp, đồng chí Tố Hữu luôn tỏ rõ là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, luôn nỗ lực hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đúng như lời của đồng chí Phan Văn Khải - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tại tang lễ của đồng chí Tố Hữu: “Ở mọi cương vị và mọi lĩnh vực công tác, dù được giao bất cứ nhiệm vụ gì, đồng chí Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc, một lòng, một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường của người đảng viên cộng sản trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, anh dũng và vẻ vang của Đảng và của nhân dân ta.”

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một mẫu mực tiêu biểu về đức tính trung thực, thủy chung, tình thương yêu bạn bè, đồng chí, đồng bào. Đồng chí là tấm gương cao đẹp về sự hy sinh, cống hiến trọn đời không tiếc thân mình vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Với những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

Kính thưa quý vị đại biểu !

Thừa Thiên Huế tự hào là vùng đất quê hương đã sản sinh ra người con ưu tú Tố Hữu. Đây chính là nơi khơi nguồn, bồi đắp lý tưởng và bầu nhiệt huyết cách mạng, tâm hồn và nhiệt huyết thơ ca của Tố Hữu. Chính truyền thống anh dũng, bất khuất của vùng đất này đã thổi bùng lên biết bao ngọn lửa đấu tranh chống áp bức, cường quyền dưới chế độ thực dân, phong kiến. Cũng chính từ mảnh đất này đã trui rèn và tôi luyện nên những thế hệ lãnh đạo anh tài, tinh hoa của dân tộc. Trong số những người con đã góp phần làm rạng rỡ cho truyền thống tốt đẹp của quê hương, đồng chí Tố Hữu chính là một trong những minh chứng rõ nét và sống động nhất. Tên tuổi của đồng chí đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của quê hương, đặc biệt là trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí chính là hạt nhân quan trọng, cổ vũ và động viên nhân dân Thừa Thiên Huế hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử ngay ở trung tâm đầu não của chính quyền thực dân, phong kiến.

Kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng mà đồng chí Tố Hữu là một trong những người đã có công gây dựng và để lại, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã vững vàng, tự tin, đoàn kết một lòng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và đã cùng với cả nước làm nên những chiến công vang dội, góp phần giải phóng hoàn toàn quê hương, đất nước.

Bước vào công cuộc xây dựng đất nước, đứng trước muôn vàn khó khăn, phức tạp, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, trăn trở, tìm tòi nhằm mở ra con đường phát triển phù hợp. Từ một vùng đất đói nghèo và lạc hậu, Thừa Thiên Huế đang ngày càng vững bước với tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Kinh tế có mức tăng trưởng khá, bình quân ước đạt 6,5%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước và một số tỉnh trong khu vực miền Trung. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân gần 8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.169 USD, đứng thứ 3 Vùng duyên hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 105.180 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 11%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 4%/năm. Cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang hiện đại. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Quảng Điền - quê nhà của đồng chí Tố Hữu hôm nay cũng đã có nhiều đổi khác. Kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người không ngừng được tăng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm thực hiện tốt. Đặc biệt, trong thời gian qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Bí thư, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành xây dựng Công viên văn hóa và Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu. Đây là công trình thể hiện tình cảm yêu mến và tri ân sâu sắc của quân và dân Thừa Thiên Huế đối với những đóng góp của đồng chí Tố Hữu trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của quê hương; là một địa chỉ “đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Kính thưa các đồng chí đại biểu!

Những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh, là kết quả của quá trình phấn đấu đầy năng động và sáng tạo; là dấu ấn của sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy Đảng và chính quyền; sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương nhưng cao hơn hết, đây là sản phẩm của sức mạnh tinh thần to lớn được xây dựng và vun đắp của đồng bào, chiến sĩ, những người con ưu tú của quê hương đã không quản ngại khó khăn, gian khổ hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm 100 Ngày sinh của đồng chí Tố Hữu cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Càng vinh dự và tự hào với những truyền thống tốt đẹp của quê hương, của các thế hệ lãnh đạo tiền bối, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế càng nhận thức rõ trọng trách của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Học tập và noi theo đồng chí Tố Hữu về tấm gương đạo đức cách mạng, trọn đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế xác định luôn phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, nâng cao ý chí tự lực tự cường và sức sáng tạo, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng thành sức mạnh tinh thần và hành động; đem tất cả tâm huyết, tài năng và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa Thừa Thiên Huế ngày càng đổi mới, hội nhập và phát triển, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Lễ kỷ niệm trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để Thừa Thiên Huế không ngừng phát triển. Tôi kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân Thừa Thiên Huế phát huy bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống anh hùng và bản sắc văn hóa Huế trong nền văn hiến Việt Nam, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thi đua yêu nước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực, tiếp tục giành những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xứng đáng với sự hy sinh, lòng mong mỏi của Đảng, Bác Hồ vĩ đại và các thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng, của cách mạng Việt Nam và của quê hương Thừa Thiên Huế.

Một lần nữa kính chúc quý vị đại biểu, quý vị khách quý, đại điện gia tộc đồng chí Tố Hữu cùng toàn thể đồng bào, đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, đoàn kết và thắng lợi.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tinhuytthue.vn