Miếu Tiên Y (miếu thờ các vị danh y đời trước) hay còn gọi là Y Miếu, nguyên trước đây nằm ở phường Ninh Viễn trong kinh thành. Đến đầu niên hiệu Gia Long, miếu được dời đến phường Dưỡng Sinh. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua đã xây dựng Miếu Tiên Y bên tả chùa Thiên Mụ, đất làng An Ninh thượng và An Ninh hạ (nay thuộc xã Hương Long, TP.Huế).
Thời Tự Đức, năm 1849, nhà vua ra chỉ dụ cho Bộ Công chọn đất cao ráo để lập miếu và giao Bộ Lễ nghiên cứu định việc phụng thờ, tế tự. Ngay năm sau, Miếu Tiên Y được xây dựng mới tại phường Thường Dũ trong kinh thành (nay thuộc phường Thuận Lộc, TP.Huế).
Miếu Tiên Y thời Tự Đức thờ tổng cộng 40 bài vị, trong đó có hai bài vị thờ các danh y của đất nước, gồm: bài vị thờ các danh y đời trước của nước Việt Nam và bài vị thờ các danh y đời trước của triều Nguyễn. Như vậy, cùng với Văn Miếu, Võ Miếu, Y Miếu cũng là thiết chế văn hóa quan trọng của triều Nguyễn.
Do nhiều biến động của thời gian và lịch sử, Miếu Tiên Y đã xuống cấp và ít được ai nhắc đến trong một thời gian dài. Mãi đến năm 2002, UBND tỉnh đã cấp kinh phí để phục hồi tôn tạo lại di tích này. Miếu Tiên Y được xây dựng lại khang trang theo kiểu nhà thờ truyền thống của Huế trên diện tích 300 m2.
Song Trần