110
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 13/11/2023 22:03
Xây dựng Đại học Huế trở thành cơ sở trọng yếu trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí và truyền thông chất lượng
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế, chiều 13/11, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Đại học Huế. Cùng đi trong đoàn có các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo… Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; UVTVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng.

Báo cáo với đoàn công tác, PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, trải qua chặng đường 66 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế đã từng bước khẳng định vị thế, uy tín của một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có bản sắc, thế mạnh riêng về khoa học cơ bản, khoa học sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, khoa học sự sống. Với vị trí tốp 5 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam; tốp 351 - 400 đại học hàng đầu Châu Á (theo xếp hạng mới nhất của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) ngày 8/11/2023), Đại học Huế đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.    

 

Với 3.606 viên chức và người lao động (1.884 giảng viên; 203 GS, PGS; 779 tiến sĩ; 1.529 thạc sỹ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II; 81 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú), từ năm 2018 - 2023, Đại học Huế đã đào tạo trên 40.000 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, khoảng 7.000 thạc sĩ, hơn 200 tiến sĩ, khoảng 6.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II. Số lượng công bố quốc tế giai đoạn 2015 - 2022 tăng khoảng 25% - 30%/năm.

Với những thành tựu của Đại học Huế trong quá trình xây dựng và phát triển đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương dành sự quan tâm đặc biệt và như có những quyết sách rất xứng đáng với vị thế của Đại học Huế trong hệ thống giáo dục của đất nước. Ngày 27/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại mục II.5 Nghị quyết đề ra nhiệm vụ: “Phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia của Việt Nam, phấn đấu nằm trong top 300 các trường đại học hàng đầu Châu Á”.

Trên lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông thời gian qua, Đại học Huế luôn chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo bám sát nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, công tác đào tạo báo chí và truyền thông tại Đại học Huế có 2 đơn vị đào tạo là Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Trường đại học Khoa học và Khoa Quốc tế. 15 năm qua, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường đại học Khoa học - Đại học Huế đã đào tạo hơn 1.500 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy; hơn 700 học viên các lớp ngắn hạn, phục vụ hiệu quả cho các cơ quan báo chí khu vực miền Trung và cả nước. Khoa Quốc tế, Đại học Huế đào tạo trình độ đại học ngành truyền thông đa phương tiện từ năm 2021 với hình thức đào tạo chính quy…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương và đánh giá cao những thành quả Đại học Huế đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí và truyền thông.


Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Đại học Huế cần chú trọng đổi mới nội dung chương trình đào tạo bám sát nhu cầu của thực tiễn và công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước; tiếp tục phát huy truyền thống, nhất là ý thức, nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, sứ mệnh của đào tạo khoa học, xã hội nhân văn nói chung và đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí truyền thông nói riêng; trong đó, hướng đến xây dựng Đại học Huế trở thành cơ sở trọng yếu trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí và truyền thông chất lượng, với tinh thần "tâm sáng, lòng son, bút sắc".

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, Đại học Huế tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng vừa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của truyền thông quốc tế trong giai đoạn hiện nay; đào tạo báo chí theo khung chương trình chung nhưng cần có nét đặc sắc, bản sắc riêng của văn hóa và con người Huế. Đại học Huế chú trọng nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giáo dục đào tạo báo chí và truyền thông; tăng cường quản lý đào tạo và bồi dưỡng gắn với nhu cầu xã hội để đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm và phù hợp chuyên môn đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo.


Bên cạnh đó, Đại học Huế cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động theo hướng tự chủ, hiện đại, định hướng chuẩn mực quốc tế và đổi mới cơ chế từ quản lý sang quản trị; đổi mới sáng tạo, xây dựng mô hình đại học thông minh để thích ứng với bối cảnh cuộc sống số, xã hội số và thời đại số. Đặc biệt, Đại học Huế quan tâm bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở và chất lượng giáo dục, cũng như môi trường thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học, hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Đại học Huế trở thành Đại học quốc gia.

Tinhuytthue.vn