"Khách đến nhà không trà thì rượu," và câu nói này không chỉ là lời nhắc nhở mà còn là sự thể hiện tấm lòng hiếu khách của người Việt trong những ngày đầu xuân. Cứ vào mỗi dịp tết đến, xuân về vợ chồng Ông Nguyễn Văn Vĩnh, phường Thủy Xuân lại chào đón những người bạn tâm giao đến chúc tết. Bên chén trà ấm, những lời chúc tốt đẹp trở nên ấm áp hơn bao giờ hết. “Cứ mỗi dịp Tết đến những người bạn tri kỷ của vợ chồng tôi lại đến chúc tết, và không có gì ngoài chén trà chúng tôi hàn huyên tâm sự những gì đã trải qua của một năm qua” Ông Nguyễn Văn Vĩnh, phường Thủy Xuân, Quận Thuận Hóa tâm sự thêm.
Những giọt trà đầu năm không chỉ là thức uống mà còn là phương tiện truyền tải những lời cầu chúc, niềm hy vọng về một năm mới tốt đẹp. Mỗi ngụm trà uống vào, như hòa quyện với hương vị ngọt ngào của tình thân, của niềm vui đoàn tụ, của không khí thiêng liêng trong những ngày Tết. Uống trà ngày Tết không chỉ là thói quen mà còn là cách để con người giao hòa với đất trời, với thiên nhiên trong dịp đầu xuân. Bà Cao Thị Xê, Phường Thủy Xuân, Quận Thuận Hóa tâm sự: Người dân Huế coi việc uống trà cũng là một ứng xử văn hóa quan trọng và biểu hiện sự trân trọng, hiếu lễ và mến khách. Ngày Tết, uống trà là một cách để giao hòa với trời đất thiên nhiên vào ngày xuân mới, nên nhà nhà thường ưu ái chọn loại trà ngon nhất để mời khách mừng xuân mới”.
Khoảnh khắc gia đình quây quần bên tách trà – giữ gìn nét đẹp truyền thống của người Huế.
Dù cuộc sống hiện đại có thay đổi, với sự xuất hiện của nhiều thức uống công nghiệp, trà vẫn giữ vững được vị trí của mình trong lòng người Việt, đặc biệt là trong những dịp lễ tết. Trà không chỉ là thức uống mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực, mang đến một nét đẹp thanh tao, lịch thiệp và sâu lắng trong cách ứng xử của người Việt. Dẫu có bao nhiêu sự thay đổi, văn hóa trà vẫn là một phần gắn bó chặt chẽ với đời sống, là một trong những nét đặc trưng không thể thiếu trong những dịp đặc biệt như Tết. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phường Thủy Bằng, Quận Thuận Hóa chia sẻ: “Nhất nước, nhì trà, tầm pha, tứ ấm, ngũ quần anh. Nước phải ngon thì pha trà mới tốt. Trên bàn trà của mỗi gia đình thường bày chút mứt Tết và ấm trà ngon thiết đãi khách quý. Thưởng thức ly trà nóng hổi, nhâm nhi mứt ngọt lành, tâm tình dăm ba câu chuyện khiến ngày xuân đầu năm thêm ấm cúng. Giữa cuộc sống hiện đại hối hả, chén trà ngày Xuân hay phong tục truyền thống uống trà ngày tết vẫn được gìn giữ và phát triển. Đây là nét đẹp trong văn hóa ứng xử, thể hiện sự tinh tế, hiếu lễ, mến khách của người Việt Nam”.
Mùa xuân về, bên chén trà tỏa hương thơm ngát, người người chúc nhau năm mới an lành, thịnh vượng và tràn đầy hạnh phúc. Việc thưởng trà ngày Tết, với sự tĩnh lặng, tao nhã, không chỉ giúp tận hưởng không khí thanh bình của mùa xuân mà còn giúp mỗi người cảm nhận được sự trân trọng, yêu thương và gắn kết trong những khoảnh khắc sum vầy bên gia đình và bạn bè. Văn hóa uống trà trong những ngày Tết thực sự là một nét đẹp truyền thống, vừa đơn giản nhưng cũng rất sâu sắc, đong đầy ý nghĩa.
Nguyễn Hiếu