Đoàn công tác đã đến các điểm gồm: Phủ Tuy Lý Vương (Vỹ Dạ), Khu giới thiệu Làng nghề Đúc Đồng (Phường Đúc), nhà vườn ông Đặng Văn Thành (Thuỷ Biều), Phủ Công chúa Ngọc Sơn (Phú Hiệp). Tại các nơi đến thăm, Đoàn khảo sát đã lắng nghe, tiếp nhận nhiều ý kiến về thực trạng quản lý, phát huy giá trị di sản, từ đó tổng hợp làm cơ sở thảo luận tại Hội nghị tham vấn chính sách về pháp luật, cũng như tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế, chính sách cho di sản văn hoá Huế. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến khảo sát, Đoàn cũng đã đi thực địa tại lăng Thiệu Trị (Xương Lăng), bãi đỗ xe lăng Tự Đức, bãi đỗ xe lăng Khải Định và các cụm lăng nói trên.
Kể từ khi Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa đã được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành, giúp cho việc thực thi hiệu quả các biện pháp quản lý Nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Huế nói riêng. Tuy nhiên, từ thực tế thi hành chính sách, pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, một số quy định của pháp luật liên quan đến bảo tồn, tôn tạo di tích còn bị chồng chéo; tình trạng lấn chiếm di tích chưa được giải quyết dứt điểm; nguồn tài chính cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản còn hạn hẹp…
Được biết, cuộc khảo sát và đi thực địa của đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tại Thừa Thiên Huế diễn ra từ ngày 27 - 30/3/2018.
Quang Phong