Tham gia làm việc với đoàn về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các ông: Nguyễn Chí Tài - TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Dung - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang gìn giữ kho tàng di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng với gần 1.000 di tích. Trong đó, có 07 di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh, 87 di tích cấp quốc gia (trong đó có 02 cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt là Quần thể Di tích Cố đô Huế và hệ thống đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế) và 69 di tích cấp tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các quy hoạch, đề án, quyết định nhằm triển khai, thực hiện và cụ thể hóa các nội dung để tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Tỉnh cũng ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa nhằm đảm bảo cho việc giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2001 đến nay, từ nguồn ngân sách Trung ương và của địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều dự án bảo tồn và chống xuống cấp di tích với gần 1.528 tỷ đồng, trong đó, ngân sách địa phương hơn 787,3 tỷ đồng).
Để quản lý và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa thế giới và hệ thống di tích trên địa bàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét, có ý kiến với Bộ, Ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quan tâm hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích hiện đang bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là đối với các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế; phân cấp hoặc ủy quyền cho tỉnh thẩm định hồ sơ đối với các dự án tu bổ di tích cấp quốc gia có quy mô và vốn đầu tư nhỏ. Có chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống....
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã nêu ra nhiều vấn đề cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Huế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển du lịch. Các đại biểu cho rằng, giá trị của hệ thống di sản và di tích của Huế là rất lớn, đây chính là tiềm năng cho phát triển du lịch; nhìn tổng thể, tỉnh vẫn còn lúng túng giữa bảo tồn và phát triển, chưa có sự liên kết và gắn kết giữa các vùng di sản cũng như địa phương trong vùng để phát huy giá trị của di sản cho phát triển du lịch...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá cao những thành quả mà Thừa Thiên Huế đạt được trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Sau việc khảo sát và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để đề xuất những chính sách phù hợp cho sự phát triển của địa phương cũng như đặt ra cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế.
Phạm Hà