Sau một năm vất vả trên nương rẫy, thu hoạch mùa màng; dù bội thu hay mất mùa thì đồng bào Tà Ôi - Pa Kô vẫn tổ chức Lễ hội A Da. Đây là truyền thống tốt đẹp, là di sản quý giá mà cha ông để lại. Lễ hội A Da nhằm để tạ ơn các vị giàng Xứ, giàng Tro, A ưm đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu trưởng thành. Lễ hội A Da mời gọi hương hồn người đã khuất trở về với bản làng để chung vui và thưởng thức những món ăn truyền thống đậm đà nghĩa tình giữa người ở trên dương gian và người ở chốn âm cung, nơi xa xôi cách biệt. Lễ hội A Da như sợi dây đỏ để kết nối thâm tình bạn bè, gia đình, làng xóm thêm gắn bó bên nhau. Đồng thời, với mong muốn mùa màng bội thu, để năm mới no ấm, mọi người luôn khỏe mạnh, con cái học hành tiến bộ hơn.
Trong lễ hội lần này, đồng bào Tà Ôi - Pa Kô tiến hành hai bước phong tục, tập quán, đó là phần Lễ và phần Hội:
Về phần Lễ, mỗi gia đình trong làng chuẩn bị cho mình ba mâm cúng đó là: Mâm dành cho giàng Xứ (núi), Mâm dành cho giàng Tro, A ưm (lúa, ngô), Mâm dành cho Âr vai Ku muụi (hương hồn người đã khuất). Trong mâm cúng thể hiện điều kiện của mỗi gia đình, đối với gia đình khá giả thì chọn vật cúng giá trị lớn như: Con dê dành cho giàng Xứ (Núi), con heo dành cho giàng Tro, A ưm (Lúa, ngô), con gà dành cho Âr vai ku muụi (hương hồn người đã khuất). Đối với gia đình khó khăn, ngoài các món ăn truyền thống khác thì chỉ cúng heo và gà. Trong lễ hội A Da, khách được mời chủ yếu là con cháu trong làng. Vì vậy, ngoài mâm cúng dành cho các vị giàng, mỗi gia đình chuẩn bị các mâm cúng cho con cháu được mời. Tập tục này gọi là Târ lêh (Lễ báo cáo cho giàng chủ nhà và tổ tiên về việc con cháu vào làng dự hội).
Về phần Hội, đây là phần tổ chức vui chơi hát hò, nhảy múa giao lưu cùng các vị khách được mời chung vui cùng con cháu trong làng. Các món ăn truyền thống đặc biệt từ các mâm cúng cũng được dọn ra tiếp đãi khách quý thưởng thức.
Các Làng Pi Reh, La Ngà, Ta Vai, xã Hồng Thủy là những làng tiêu biểu trong việc giữ gìn phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là Lễ hội A Da, hàng năm luôn được trân trọng duy trì, góp phần trong việc “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng.
Ông PaTả Ku Xết - Già làng Thôn Pi Reh cho hay: Đồng bào Tà Ôi - Pa Cô năm nào cũng tổ chức lễ cúng A Da. Phong tục này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và vẫn còn giữ nguyên bản sắc truyền thống của lễ hội. Nhà nào dù nghèo khó thì trong mâm cúng ít nhất phải có con gà để cúng tạ ơn các thần linh. Già làng sẽ là người đại diện cho các dòng họ trong bản tiến hành nghi lễ cúng Giàng và sau đó là phần hội, bà con ăn uống chúc tụng nhau, họ nhảy múa ca hát mừng mùa màng bội thu. Những tiếng khèn, tiếng trống chiêng hòa cùng những điệu nhảy vui tươi, những tiếng vỗ tay reo hò và những nụ cười rạng rỡ trên môi của đồng bào Tà Ôi - Pa Kô trên đỉnh Trường Sơn.
A Da không chỉ là lễ hội, là ngày tết vui tươi nhộn nhịp mà còn thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng đặc biệt là mẹ cây lúa đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác. Lễ hội A Da để khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng sống chết có nhau, no đói cùng nhau của con cháu làng bản.
Hoài Văng