411
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 11/10/2022 17:18
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa và giá trị vận dụng tại Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hội nhập và phát triển
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, toàn bộ di sản tư tưởng của Người là một kho báu vô giá của dân tộc Việt Nam. Trong đó, tư tưởng của Người về văn hóa chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Đó là một hệ thống các quan điểm lý luận mang tính khoa học và cách mạng về văn hóa và xây dựng nền văn hóa Việt Nam, được kết tinh và chắt lọc những giá trị văn hóa phương Đông, phương Tây, của truyền thống và hiện đại, của dân tộc và quốc tế.

Văn hóa soi đường cho quốc dân đi

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa được xây dựng và bồi đắp nên trong suốt chiều dài lịch sử, xây dựng nền tảng tinh thần của một xã hội “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[1]. Tư tưởng về văn hóa của Người vẫn luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam, là định hướng quan trọng để đất nước phát triển bền vững.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tổ chức ngày 24/11/2021) đã đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước. Qua đó, Đảng đã đưa ra định hướng quan trọng về văn hóa, cũng như là cơ hội để tập hợp, huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn Dân để phát triển văn hóa.

 Tất cả những điều trên cho thấy rằng, từ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hoá từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn.

Giá trị vận dụng tại Thừa Thiên Huế

Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ, giao thoa và lan tỏa những giá trị văn hóa phong phú đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Vùng đất này có 07 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, có gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội; cùng với đó là hàng trăm ngôi chùa cổ, làng cổ, nhà rường, nhà vườn, hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng. Thừa Thiên Huế còn được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng như: sông Hương, núi Ngự, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vịnh đẹp Lăng Cô, vườn quốc gia Bạch Mã... Tất cả đã góp phần tạo nên cốt cách con người Huế, văn hóa Huế với những đặc trưng: coi trọng văn hóa; lễ giáo; hiếu học; tôn sư trọng đạo trong mỗi gia đình; sống khoan dung, hòa thuận; mẫu mực, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên.

Trên nền tảng vốn có và thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng về phát triển văn hóa, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa; luôn xem văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, đề án, chương trình, nghị quyết đúng đắn trong từng giai đoạn cụ thể để chăm lo phát triển văn hóa. Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 “về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo động lực quan trọng và niềm tin vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh nỗ lực, thống nhất về nhận thức và hành động vào mục tiêu xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế nhưng vẫn giữ được cốt cách, bản sắc của riêng mình. Tại Hội thảo khoa học “Phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị” được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức vào ngày 25/6/2022, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Mô hình và cách làm của Thừa Thiên Huế là thực tiễn mới hết sức sinh động về việc triển khai những quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm đột phá chiến lược thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II với tinh thần nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu,vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực phồn vinh, hạnh phúc.

Từ định hướng của Nghị quyết 54-NQ/TW, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đánh dấu bước ngoặt về nhận thức và quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh: xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng”[2]. Việc xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương với những đặc trưng về di sản và văn hóa là nét đặc sắc riêng có của Thừa Thiên Huế và chưa hề có tiền lệ cho bất kỳ địa phương nào từ trước đến nay.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đầy đủ và toàn diện: Chương trình 69-CTr/TU, ngày 03/02/2020 về thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 14-NQ/TU, ngày 17/4/2020 thông qua Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 17/4/2020 thông qua Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế; Nghị quyết 16-NQ/TU, ngày 17/4/2020 thông qua Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 và 4 đã ban hành 04 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm về văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu; giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và trung tâm khoa học – công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế trong sự phát triển của Thừa Thiên Huế. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định giải pháp về “Bồi đắp, phát huy giá trị văn hóa và con người Huế” là 01 trong 04 nhóm giải pháp đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Điều này cho thấy sự đổi mới về tư duy, cách làm và sự quyết tâm của Đảng bộ tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở, các di tích lịch sử, văn hóa tiếp tục được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phục hồi để phục vụ cho nhu cầu tham quan, nghiên cứu, giáo dục và phát huy truyền thống cho nhân dân và du khách. Việc khai thác văn hóa di sản, văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động tái hiện không gian văn hóa Cung đình, Thái Y viện được chú trọng cùng với tập trung xây dựng Huế thành “Kinh đô ẩm thực”, “Kinh đô áo dài Việt Nam”, khai thác có hiệu quả phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh… Tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, bảo đảm sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người. Qua đó, những đức tính tốt đẹp của con người Thừa Thiên Huế, như: cần cù, lao động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, yêu quê hương, sống có nghĩa tình, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn… được phát huy trong thực tiễn, trong cuộc sống hằng ngày.

Thừa Thiên Huế đã tạo nên những nét riêng đặc sắc về văn hóa, văn minh đô thị và hình ảnh con người Huế như xây dựng và triển khai đề án “văn hóa Huế - con người Huế”; đưa ca Huế vào trường học; tổ chức phong trào Chủ nhật Xanh; Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng, có hiệu quả thiết thực, như: “Ngày Chủ nhật xanh”; phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; “Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng”, “Thành phố bốn mùa hoa”, “Huế - kinh đô Áo dài”, “Kinh đô ẩm thực”, “Xứ sở mai vàng Việt Nam”… Việc tổ chức thành công 10 kỳ Festival Huế với quy mô quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ở khu vực và quốc tế.

Mặc dù vẫn còn những vấn đề đặt ra, như: Việc thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa còn ít; các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng; Kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế… Nhưng có thể nói rằng, từ tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực, vận dụng sáng tạo để xây dựng và bồi đắp nên giá trị văn hóa và con người Thừa Thiên Huế, biến văn hóa trở thành sức manh nội sinh, động lực to lớn trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” đặc sắc của khu vực và cả nước.

Bích Ngọc