Trang phục áo dài Huế nằm trong dòng chảy chung của lịch sử phát triển chiếc áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, do những tác động của lịch sử, tự nhiên, giao lưu văn hóa... đã hình thành nên một sắc thái riêng của áo dài Huế. Chiếc áo dài Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm lịch sử. Áo dài Huế ra đời từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ của người Huế, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất thần kinh.
Đối với phụ nữ Huế, tà áo dài hiện diện trong đời sống thường nhật, từ người bình dân “buôn gánh bán bưng” cho đến người cao sang đều “bình đẳng” trong chiếc áo dài, áo dài gắn bó với đời sống của mỗi người. Còn với nam giới thì chiếc áo dài ngũ thân là trang phục thường xuyên trong các nghi thức lễ lạc quan trọng và cả đời sống thường nhật. Tuy nhiên, theo những thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài Huế cũng trải qua một giai đoạn không được coi trọng và thịnh hành trong đời sống.
Trưng bày chuyên đề được tổ chức lần này đã giới thiệu đến cho người dân và du khách một số tư liệu áo dài xưa và nay qua sự giúp đỡ hỗ trợ của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sưu tầm cổ vật, nhà thiết kế áo dài và các gia đình ở Huế.
Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế cho hay, trong bối cảnh hiện nay, việc tôn vinh, phát huy các giá trị của áo dài, đưa chiếc áo dài Huế trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ và đàn ông xứ Huế, nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và sự duyên dáng, lịch lãm của người dân Cố đô là nỗ lực của lãnh đạo chính quyền và nhân dân Huế. Trưng bày chuyên đề “Một số tư liệu áo dài Huế xưa và nay” mong muốn góp thêm tư liệu khẳng định giá trị và tôn vinh vẻ đẹp trang phục áo dài Huế. Trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 17/6 đến hết ngày 17/7/2022.
Thế Trung