Bác trai tôi là Trần Ngọc Oanh, nguyên Trưởng Đoàn Ca kịch Huế, còn bác dâu là Nghệ sĩ Ưu tú Mộng Điệp nguyên Phó trưởng đoàn. Chúng tôi vốn gốc Huế, vì công việc cho nên ra Nghệ An từ đầu thế kỷ 20, nhưng vẫn đi về Huế quê nhà. Các bác tôi đều rất giỏi về ca Huế. Bác Mộng Điệp kể với tôi rằng, chính ông nội tôi, vốn rất giỏi đàn bầu và đàn nguyệt đã dạy nhạc cho bác Oanh tôi. Mỗi lần về Huế, tôi lại ghé nhà thờ thắp hương và gặp ông tôi là Trần Văn Hồng, chủ nhân của Tức Mặc Viên, một cái phủ cổ ở ngay sau Tử Cấm Thành. Ông Hồng kể: “Thời đầu thế kỷ 20, khi các bác dựng nên một gánh hát ca kịch Huế thì khó khăn nhiều lắm. Nhạc Tây, sân khấu Pháp phổ biến mà nhạc ta thì bị coi rẻ. Nhạc cải lương cũng manh nha. Gánh hát ca Huế của chúng ta nhiều khi khó khăn, nhất là vào mùa mưa, có khi mẹ của ông phải bỏ tiền ra nuôi cả đoàn đến vài tháng liền. Khi ấy đoàn thường diễn tại tòa soạn của báo Tiếng Dân của ông Huỳnh Thúc Kháng”.
Khi đoàn đi diễn thì thực dân Pháp bắt bác Mộng Điệp và Châu Kỳ. Bác Mộng Điệp kể: “Khi đoàn đang diễn ở Lào, bọn thực dân Pháp bắt hai người lên tra hỏi một ngày, không được gì, bèn thả ra”. Khi ấy Châu Kỳ và Mộng Điệp thường được lấy tên để quảng cáo cho các vở ca kịch Huế. Sau bác Châu Kỳ chuyển sang sáng tác, có nhiều tác phẩm để đời. Mặt trận Thừa Thiên vỡ, bác Châu Kỳ kẹt lại ở Huế, chúng tôi ra Vinh, từ đó không gặp lại, nhưng gia đình chúng tôi luôn nhắc và thích nghe những sáng tác của bác Châu Kỳ.
Nghệ sĩ Mộng Điệp thời trẻ. (Tư liệu)
Chuyện tình của bác Oanh tôi và bác Mộng Điệp rất lâm ly. Bác Mộng Điệp sinh ra ở làng Trường Hà, ngoại thành Huế. Bố của bác là một nghệ nhân tuồng Huế, chủ một gánh hát gia đình. Bác còn nhỏ nhưng đã được tiếng hát hay, từng hát mừng sinh nhật bà Từ Cung khi tóc còn buộc đuôi gà. Bác lấy chồng sớm, có hai đứa con, nhưng chẳng hiểu sao chồng con đi đâu mất tích. Bác Oanh tôi không quan tâm đến chuyện cũ, yêu thương bác Mộng Điệp hết lòng. Bác Mộng Điệp tủm tỉm kể: “Ông ấy còn ghen tui nữa!”. Bác Oanh giỏi về đạo diễn, dựng vở, nhưng đôi khi cũng đóng những vai lạ, như vai người Pháp chẳng hạn vì bác tôi vóc dáng cao lớn.
Năm 1947, gia đình bác giã từ Vinh để lên Phủ Quỳ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ với thực dân Pháp. Họ ở một ngã ba nhỏ, mở quán cơm Huế. Bác Mộng Điệp có khi phải rửa bát vì trong nhà còn ít người lắm. Cuộc sống cũng tạm thanh bình thì các bác trong đoàn cũ lên rừng tìm, bảo là có chủ trương muốn tái lập đoàn Ca kịch Huế. Hai bác tôi xin phép ông bà tôi để đi (ông nội tôi là chú ruột, bố của các bác thì đã mất từ lâu). Đoàn Ca kịch Huế được tái lập ở Vinh và dựng vở để đón Bác Hồ lần đầu tiên về thăm quê. Theo tạp chí Sông Hương ghi lại, về Vinh, Bác Hồ xem ca kịch Huế rồi gọi bác Mộng Điệp và một nghệ sĩ nữa lên để hỏi thăm tình hình trong Huế. Bác Mộng Điệp nhớ Huế, lo cho Huế quá mà khóc, cho nên được bác động viên nhiều. Ra Hà Nội, Bác Hồ dành một tháng lương gửi tặng đoàn. Cả đoàn quyết định dùng số tiền ấy mua một chiếc micro loại cực tốt, để sử dụng. Đoàn đến Vĩnh Linh, diễn, phát lời ca tiếng hát Huế sang bên kia chiến tuyến chính là dùng chiếc micro ấy để nối liền tình cảm Bình Trị Thiên.
Những năm chiến tranh ấy, đôi khi chúng tôi đón bà con hoặc đồng hương trong Huế đi tập kết ra bắc, tìm đến tận nhà. Nhìn những người Huế thương tích đầy mình, bà tôi bảo: “Tụi bay làm chi mà khổ ri”. Mọi người bảo: “Nghe bà ở ngoài ni, chúng con ra tìm”. Sau này, tôi gặp anh tôi tên Thông, cháu bác Mộng Điệp. Anh kể: “Anh tập kết ra ngoài đó chiến đấu, nghe đoàn Ca kịch Bình Trị Thiên diễn ở Vĩnh Linh, lặn lội đến. Hỏi thăm: O có phải là o Mộng Điệp đó không? Vậy là o cháu ôm nhau mà khóc”.
Làng bác Mộng Điệp là vùng cách mạng, làng của Đại tướng Lê Đức Anh, bị càn quét tan hoang nhiều trận, dân quân du kích hoạt động đêm ngày. Làng chúng tôi thì sát làng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu, cũng là nơi giao tranh khốc liệt. Nhà cửa chúng tôi đã bị san phẳng hết, nhưng mọi người không dám kể với bà tôi, sợ bà buồn. Năm 1975 về tới nơi, bà tôi mới biết. Bà tôi làm quán nước quân nhân, quê ta người đi ra bắc, kẻ vào nam không ít. Nhưng liên lạc thì đứt quãng vì thư từ trong Huế gửi ra, bưu điện giữ lại hết, niêm phong cho vô bì, đến năm 1975 mới gửi cho chúng tôi một bao tải và thông cảm hoàn cảnh chiến tranh cho nên phải làm như vậy. Đọc những lá thư đã phai mầu chữ ấy mới biết trong Huế chiến tranh khốc liệt quá, mà tình cảm trong gia đình và họ hàng, bè bạn thì trước sau vẫn hướng về nhau, mong sớm đoàn tụ.
Năm 1975, Đoàn Ca kịch Huế từ Hà Nội trở về Huế. Bác Oanh và bác Điệp chúng tôi về ở phố Chi Lăng, cách không xa tòa soạn báo Tiếng Dân năm xưa là bao. Thật là cuộc trường chinh gian khổ, kể từ năm 1945 đến năm 1975, bao sự kiện, ngày trở về vui mừng khôn tả. Cuộc sống sau chiến tranh nhiều khó khăn lắm, nhưng tiếng đàn tiếng hát lại vọng vang trở lại. Các bác chúng tôi gặp được những giọng ca Huế bà con thân tộc, như bác Vân Phi. Bác Vân Phi chúng tôi là một giọng ca được đánh giá cao ở Huế và làm việc ở Đài Phát thanh Huế trong những năm tháng chia cắt.
Trong đợt phong Nghệ sĩ Ưu tú đầu tiên thì toàn thành phố Huế chỉ mình bác Mộng Điệp tôi nhận được vinh dự này. Khi trao danh hiệu, lãnh đạo thành phố cấp một biệt thự để hai bác tôi ở, như sự tri ân. Nhưng bác Oanh tôi bảo với vợ là: “Anh em trong đoàn đã đi cùng chúng ta suốt mấy cuộc chiến tranh, giờ anh em ở đâu, chúng ta ở đó” nên vẫn ở trong tập thể của đoàn. Khi tôi vào thăm, thấy đó là một căn phòng lớn chia đôi bằng vách liếp, bên này là phòng hai bác tôi - lãnh đạo đoàn, bên kia là gia đình nghệ sĩ Đăng Ninh (bố của ca sĩ Vân Khánh). Nhiều lần chúng tôi mời các bác trở ra Vinh hoặc ra Hà Nội hay vào Sài Gòn sinh sống, cứ đi được dăm bữa nửa tháng là bác Mộng Điệp lại đòi về Huế.
Bác trai tôi qua đời trước, rồi mới đây bác Mộng Điệp tôi cũng qua đời. Trước khi mất, bác Mộng Điệp nói với tôi, bác rất lạc quan, bởi bác có con nuôi theo nghiệp hát, bác có rất nhiều học trò ở trong Đoàn Ca kịch Huế và nhiều nơi nữa. Bác tôi nói người có tài về nhạc Huế rất nhiều.
Tác giả đang ghi lại những làn điệu ca Huế từ bác Mộng Điệp
40 năm trở về Huế, rồi mất ở Huế, tôi nghĩ các bác tôi đã mãn nguyện, nhất là khi chung quanh vẫn nhiều người yêu nhạc Huế, gắn bó với nghệ thuật Huế. Những năm cao tuổi, về sống ở làng, hằng tháng Đoàn Ca kịch Huế và Trường Nghệ thuật vẫn xuống thăm bác tôi, điều đó chính là sự động viên lớn nhất với bác. Bác tôi có lời khen với thế hệ học trò xuất sắc trong đoàn hiện nay và đặt nhiều kỳ vọng rằng họ sẽ nối tiếp được truyền thống trăm năm ca kịch Huế.
TRẦN NGUYỄN ANH - Nhân Dân