Kim ấn (kim bảo tỷ) biểu thị cho quyền lực tối cao của hoàng đế và của cả triều đại. Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc chưa kể nhiều ấn tín quý giá dùng trong hoạt động hành chính của triều đình.
Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Lời sách do đích thân các hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện.
Khi triều Nguyễn kết thúc vai trò của mình trong lịch sử, vào năm 1945, hầu hết các kim ấn, bảo tỷ và kim sách cùng nhiều hiện vật quý triều đình được di chuyển ra Hà Nội để đảm bảo an toàn trong hoàn cảnh chiến tranh khóc liệt.
Nhân dịp Festival Huế 2016, một số kim sách và kim ấn triều Nguyễn thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được đưa về cố đô Huế để giới thiệu tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (03 Lê Trực, phường Thuận Thành, TP Huế) từ ngày 23/4-23/6, phục vụ nhu cầu của công chúng muốn thưởng lãm các bảo vật hoàng cung quý giá này.
Song Trần