Tại hội nghị, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, đồng chí Phan Thiên Định, Phó Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày những điểm cơ bản của về chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh. Theo đó, đối tượng của chính sách là các nhà vườn Huế đặc trưng - một tổ hợp kiến trúc và cảnh quan - bao gồm 2 yếu tố cơ bản là Nhà và Vườn: Nhà là công trình kiến trúc cổ theo kiểu kiến trúc nhà rường truyền thống đặc trưng; Vườn là cảnh quan bao quanh nhà, có mối quan hệ hữu cơ với nhà để tạo thành một không gian sống hoàn chỉnh, mang đậm đặc trưng của văn hóa Huế; là nơi trồng các loại cây xanh gồm cây cảnh, cây hoa và cây ăn trái cùng với các công trình kiến trúc phụ trợ như cổng, bình phong, hàng dậu cây xanh, hòn non bộ...
Về các chính sách hỗ trợ: Về hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà chính: Hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà chính tối đa không quá 30 triệu đồng/nhà vườn; hỗ trợ kinh phí trùng tu nhà vườn: Nhà vườn đáp ứng điều kiện về hỗ trợ kinh phí trùng tu được hỗ trợ kinh phí trùng tu tôn tạo nhà chính, nhưng tối đa không quá 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 1, không quá 500 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 2 và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 3; hỗ trợ lãi suất vay trùng tu nhà vườn: Chủ nhân nhà vườn được hỗ trợ 100% lãi suất vay khi vay vốn của các tổ chức tín dụng để trùng tu nhà vườn. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 5 năm, mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 500 triệu đồng/nhà vườn.
Về hỗ trợ tôn tạo khuôn viên vườn: hỗ trợ các nhà vườn duy trì cảnh quan của vườn với mức 2.000.000 đồng/năm/vườn, thời gian hỗ trợ không quá 5 năm kể từ ngày tham gia chính sách.
Về hỗ trợ kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn: hỗ trợ 100% lãi vay đối với phần vốn chủ nhà vườn vay các tổ chức tín dụng để tổ chức kinh doanh trong các nhà vườn. Mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 200 triệu đồng/nhà vườn, thời gian hỗ trợ lãi vay không quá 5 năm.
Hỗ trợ 100% tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với phần diện tích đất tối đa không quá 5.000 m2 cho các nhà vườn tham gia chính sách. Thời gian hỗ trợ là 5 năm tính từ ngày tham gia chính sách.
Ngoài ra, còn có một số chính sách hỗ trợ khác. Dự kiến, nguồn ngân sách tỉnh sẽ chi từ 5 – 8 tỷ đồng hằng năm để hỗ trợ trùng tu từ 3 đến 5 nhà vườn Huế đặc trưng, tùy theo số lượng nhà vườn được UBND tỉnh phê duyệt trong giai đoạn 2015 – 2020.
Tại hội nghị, chủ nhân các nhà vườn bày tỏ niềm vui và sự đồng tình cao với chính sác và tham gia nhiều ý kiến vào đề án. Có ý kiến đề nghị tỉnh thành lập hội đồng thẩm định và phân loại nhà vườn thuộc diện chính sách hỗ trợ. Sự phối hợp giữa chính địa phương với chủ nhân các nhà vườn trong quá trình trùng tu; phương án ký kết thỏa thuận giữa chính quyền địa phương với chủ nhà vườn; công tác quản lý nguồn vốn đầu tư cũng như các giải pháp phát huy giá trị nhà vườn Huế… là những vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chủ nhân các nhà vườn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết: Với quan điểm coi nhà vườn là giá trị di sản văn hóa quý giá không chỉ của Huế mà của Việt Nam, cần thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ để phát huy giá trị, vì vậy UBND tỉnh đã tham mưu trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết đề án “chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Các ý kiến góp ý của các chủ nhà vườn tại hội nghị này hết sức tích cực, UBND tỉnh ghi nhận để bổ sung, hoàn thành quy chế, quy định để sớm triển khai chính sách vào cuộc sống.
Song Trần