244
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 08/10/2022 07:12
Tọa đàm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam tại Thừa Thiên Huế
Ngày 07/10, Nhà Xuất bản Thuận Hóa tổ chức tọa đàm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam tại Thừa Thiên Huế (10/10/1952- 10/10/2022).

Trong suốt 70 năm hình thành và phát triển ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 10/10/1952, trong lúc kháng chiến chống thực dân Pháp đang vào hồi quyết liệt, nhu cầu sách báo phục vụ cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, cũng như phương tiện tuyên truyền đường lối, chủ trương kháng chiến – kiến quốc của Đảng, Chính phủ ngày càng cao, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký và ban hành Sắc lệnh số 122 / SL, thành lập Nhà in Quốc gia, đồng thời thống nhất cơ quan điều hành cả ba khâu xuất bản, in, phát hành trên toàn quốc, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới theo đề nghị của Nha Tuyên truyền Văn nghệ. Đây là dấu mốc cực kỳ có ý nghĩa đối với những người làm công tác Xuất bản, In, và Phát hành sách Việt Nam. Trải qua 70 năm phát triển, toàn ngành luôn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, cung cấp cho mọi tầng lớp Nhân dân hàng triệu xuất bản có giá trị phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hoạt động xuất bản, in, phát hành sách luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo. Luật Xuất bản năm 2012 được Quốc hội thông qua, tại Điều 3 ghi rõ: “Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam; mở rộng giao lưu văn hóa với các nước phát triển; đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Nhà Xuất bản Thuận Hóa Nguyễn Duy Tờ, cho biết, hoạt động xuất bản, in, phát hành sách ở Thừa Thiên Huế ra đời liên kết và đồng hành cùng với sự phát triển con người, đời sống xã hội - văn hóa và lịch sử của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên  Huế trải dài hơn 700 năm, từ thời chúa Nguyễn (giữa cuối thế kỷ XVI) cho đến tận ngày nay;  là Thủ phủ, Kinh đô của các vương triều quân chủ, là nơi sớm tiếp nhận văn minh phương Tây, là địa bàn chiến lược trọng yếu trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, là trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

 Với những thành tựu có giá trị lâu bền trên nhiều phương diện đối với nền văn hóa, giáo dục và học thuật, hoạt động xuất bản, in, phát hành sách ở Thừa Thiên Huế từ trước đến nay có những đóng góp to lớn cho văn hóa nước nhà. Có thể khẳng định, Huế là một trong 3 trung tâm xuất bản sôi động, mang tính truyền thống lớn của cả nước trong suốt chiều dài lịch sử đất nước; trải qua nhiều biến động, thăng trầm, nhưng luôn gắn bó đất nước, dân tộc, quê hương.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ quá trình hình thành và phát triển ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Bằng niềm tin, sự yêu nghề, đội ngũ làm công tác Xuất bản, In và Phát hành sách đã vượt qua khó khăn của bản thân, gia đình và thời cuộc để từng bước góp phần củng cố, xây dựng toàn ngành ngày càng ổn định, phát triển, từng bước hội nhập với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bồi đắp đời sống tinh thần của nhân dân.

Trong thời gian tới, hoạt động xuất bản, in, phát hành tại Thừa Thiên Huế sẽ tiếp cận với thành tựu cuộc cách mạng 4.0; đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới; là hạt nhân quan trọng phát triển văn hóa đọc và xây dựng “Tủ sách Huế” phong phú về nội dung, giàu về bản sắc văn hóa Huế, lan tỏa sâu rộng trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.

                                                                                           Văn Bốn