Lượng khách du lịch đến Huế tăng, năm 2017 đạt 3,8 triệu lượt, trong đó, khách lưu trú đạt trên 1,84 triệu lượt (khách quốc tế đạt trên 815 nghìn lượt). Doanh thu du lịch đạt trên 3.500 tỷ đồng... Đón 47 chuyến tàu cập cảng Chân Mây với trên 127.590 lượt khách và thủy thủ đoàn, là năm có lượng khách đường biển nhiều nhất từ trước đến nay.
Nhiều sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác, phục vụ du khách, như: tour du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái vùng biển, đầm phá; tour du lịch bằng xe đạp; du lịch cộng đồng; du lịch homestay; hình thành các điểm trưng bày, bán hàng lưu niệm trên các tuyến, điểm du lịch. Nổi bật là việc đưa vào khai thác sản phẩm du lịch “Đại nội về đêm” được tổ chức trong 6 tháng năm 2017 đã thu hút trên 28.760 lượt khách, doanh thu đạt 3,163 tỷ đồng và tuyến phố đêm đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu.
Du khách tham quan Thủy Biều bằng xe đạp, nơi còn nguyên vẹn bản sắc văn hóa làng với những vườn cây trĩu quả.
Đã kêu gọi thành công một số nhà đầu tư lớn như Vingroup, BRG, Myway, PSH, Kim Long Nam vào nghiên cứu đầu tư một số dự án lớn về du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf và dịch vụ giải trí, mua sắm. Đặc biệt, dự án Laguna Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD; đồng ý chủ trương bổ sung vào quy hoạch 2 sân golf;…
Tăng cường chấn chỉnh môi trường du lịch; giảm nạn chèo kéo, ăn xin; ký kết các quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, công an, chính quyền địa phương nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Các hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết được đẩy mạnh, nhất là quảng bá qua các trang mạng xã hội như: Tripadvisor, Angoda, Booking.com, Traveloka; ký kết các thỏa thuận với Vietnam Airlines, Traveloka, đường sắt, bưu điện... Ngoài ra, tăng cường liên kết với các địa phương trong nước như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, các tỉnh Tây Nam Bộ và các thành phố, tổ chức ngoài nước như Kyoto, Nara, Yokohama, Gifu, UNESCO, ILO… để liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ xích lô, taxi, tiểu thương; bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên; phối hợp khảo sát nguồn nhân lực du lịch, làm cơ sở xác định nhu cầu đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký kết các thỏa thuận hợp tác với Vietnam Airlines.
Những kết quả đạt được trong năm 2017 là thành quả của sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tổ chức thực hiện của ngành Du lịch và các ngành, địa phương. Tuy vậy, những thành quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Bước vào năm 2018, du lịch Thừa Thiên Huế đặt chỉ tiêu phấn đấu thu hút 4 - 4,2 triệu lượt khách, trong đó, có 2,1 - 2,2 triệu lượt khách lưu trú; với mục tiêu là: Tập trung phát triển ngành Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, từng bước xây dựng thương hiệu Huế là kinh đô của lễ hội và ẩm thực, thành phố du lịch “sáng và sống”.
Thành phố Huế được công nhận Thành phố Du lịch Sạch ASEAN
Với các chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra, Tỉnh và ngành Du lịch đã xây dựng một số nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
Phát triển đồng bộ cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật du lịch. Trong đó, chú trọng việc tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch - dịch vụ trọng điểm, nhất là dự án Laguna Lăng Cô giai đoạn 2; dự án khu thương mại, dịch vụ của Vingroup; các dự án nghỉ dưỡng và sân golf của các tập đoàn Bitexco, BRG, Vingroup, Myway, PSH… Đẩy nhanh tiến độ các tuyến giao thông kết nối đô thị Huế với biển Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân và một số bãi biển lân cận để gắn phát triển du lịch di sản với du lịch biển. Khởi công xây dựng bến số 1 cảng Chân Mây; đầu tư một số hạng mục của sân bay quốc tế Phú Bài để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, tập trung trùng tu, nâng cấp các công trình di tích văn hoá, lịch sử; phát triển các mô hình xe buýt phù hợp; hoàn thiện và mở rộng và bảng chỉ dẫn, thông tin du lịch để cung cho du khách và người dân…
Dự án Laguna Lăng Cô.
Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ; hoàn thành một số sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác trong năm 2018 để phục vụ du khách. Trọng tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm “Đại nội về đêm” gắn với phát triển các dịch vụ ở các điểm di tích; tiếp tục chỉnh trang hạ tầng thiết yếu tại các khu phố đêm Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An; hình thành không gian văn hoá, nghệ thuật gắn với khu ẩm thực, kết hợp nghệ thuật cộng đồng trên trục đường Lê Lợi; đẩy nhanh việc triển khai dự án Quy hoạch chi tiết 2 bờ sông hương; triển khai dự án Bảo tàng văn hoá ẩm thực Huế. Chuyên nghiệp hoá dịch vụ thuyền, ca Huế trên sông Hương; chỉnh trang và phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp ở tuyến sông Ngự Hà, Hộ Thành Hào…
Nâng cao chất lượng và phát triển mạnh các loại hình du lịch: du lịch MICE; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề; du lịch tâm linh… để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước. Nghiên cứu và xây dựng dịch vụ du lịch dành cho thị trường khách du lịch đến Huế nhiều như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Tổ chức các sự kiện, lễ hội hằng tháng vào các thời điểm phù hợp trong năm để thu hút du khách.
Khu phố đêm Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An.
Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, quảng bá du lịch và tuyên truyền, nâng cao ý thức về du lịch cho người dân. Trọng tâm là liên kết, hợp tác với các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar), các đơn vị lữ hành hàng đầu (Vietravel, Saigontourist, Vitour, Đường mòn Đông Dương, Buffalo Tour, Thiên Minh...), các địa phương trong và ngoài nước để thu hút ngày càng nhiều nguồn khách. Nâng cao chất lượng khi tham gia các hội chợ du lịch, hoạt động liên kết các địa phương tổ chức thường niên để quảng bá hình ảnh điểm đến, con người, văn hoá và các dịch vụ mới... trên Trang thông tin điện tử du lịch Huế (http://visithue.vn).
Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự của người dân Huế đối với khách du lịch; tạo dựng môi trường du lịch xanh, sạch, thân thiện, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, xem đây là yếu tố hết sức quan trọng trong sự phát triển bền vững của ngành du lịch; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ, quyết liệt chấn chỉnh tình trạng đeo bám du khách để xây dựng hình ảnh du lịch Huế trong lòng du khách.
Thừa Thiên Huế tham gia giới thiệu tại Hội chợ du lịch quốc tế Travex 2018 và Diễn đàn Du lịch ASEAN 2018 tại Thái Lan.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực quản lý, phục vụ của lực lượng lao động trong ngành du lịch. Trong đó, tập trung triển khai tốt kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động khi các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, khai thác; chú trọng mở các lớp đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (CEO, Sale marketing…); tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để đào tào nguồn nhân lực du lịch.
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong năm 2018, tin tưởng rằng, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Hồng Sơn