2248
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 23/03/2022 17:40
Thừa Thiên Huế thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030
Nhằm triển khai có hiệu quả Kết luận số 76/KL-TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW; Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ngày 1/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu cùng cả nước xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng..; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

Đến năm 2030, sẽ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Bảo tàng, Thư viện tỉnh. Đầu tư tu bổ, tôn tạo ít nhất 5% di tích quốc gia đặc biệt; nghiên cứu, xây dựng hồ sơ trình UNESCO vinh danh Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và con người tỉnh Thừa Thiên Huế. Phấn đấu ít nhất 85% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương. Có từ 0% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa. Tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách hàng năm.

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, cụ thể: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về ăn hóa; Xây dựng con người phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác phát huy văn hóa, di sản phát triển du lịch; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa.

Nghị quyết 54-NQ/TW là cơ hội để đưa Huế trở lại vị thế một trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Hiện tỉnh đang rất chú trọng vai trò, vị thế của văn hóa, di sản văn hóa bằng quyết tâm chính trị, qua việc thực hiện một loạt đề án trọng điểm. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, văn hóa vùng đất Cố đô Huế; gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp có tính đặc thù của vùng văn hóa Huế; mở rộng hợp tác quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, thể thao… nhằm phát huy trí tuệ và sức mạnh tập thể đưa sự nghiệp văn hóa, du lịch phát triển mạnh mẽ, xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa du lịch lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tiêu chí đô thị di sản đặc thù.

Thu Hà