296
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 15/11/2022 16:11
Thừa Thiên Huế sau một năm thực hiện Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nguồn lực quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Việc triển khai thực hiện phát triển văn hóa, xây dựng con người được Thừa Thiên Huế đặc biệt coi trọng, trở thành nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, có tính chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, xây dựng văn hóa Huế, con người Thừa Thiên Huế trong quá trình hội nhập và phát triển.

Qua một năm thực hiện kết luận chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Thừa Thiên Huế luôn quán triệt sâu sắc nhận thức cũng như quá trình đổi mới tư duy phát triển của Đảng ta về văn hóa từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Nghị quyết 33 (khóa XI) và Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và nay là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát biểu Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định rõ việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nguồn lực quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; phát triển văn hóa, con người là khâu đột phá về cải cách hành chính; chăm lo phát triển nguồn nhân lực đi đôi việc kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội là nhiệm vụ cấp bách để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trải qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn của văn hóa, văn học nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, xây dựng văn hóa Huế, con người Thừa Thiên Huế trong quá trình hội nhập và phát triển.

Nhằm cụ thể hóa Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, Đề án “Văn hóa Huế - Con người Huế: Bảo tồn và phát triển” hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa, phát huy các yếu tố truyền thống, bản sắc dân tộc; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, đảm bảo để văn hóa thúc đẩy các lĩnh vực phát triển, khẳng định vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam. Như vậy, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Thừa Thiên Huế không chỉ vừa là mục tiêu, vừa là động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, “nguồn lực quan trọng quyết định” cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Điều đó khẳng định bước chuyển biến mạnh mẽ, đi trước về tư duy đổi mới, nhận thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế về văn hóa đã được nâng lên tầm cao mới, trong bối cảnh thời đại mới.

Để chuyển hóa nhận thức thành hành động cụ thể, việc triển khai thực hiện phát triển văn hóa, xây dựng con người được Thừa Thiên Huế đặc biệt coi trọng, trở thành nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, có tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với phương châm kiên trì, bền bỉ với nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, khẳng định văn hóa và con người đã và đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển bền vững. Qua đó, tạo được sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ; giúp cán bộ đảng viên và nhân dân có nhận thức đúng đắn về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Thừa Thiên Huế năng động, sáng tạo và giàu bản sắc. Người dân đang dần nhận thức được lợi ích của việc thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cán bộ, đảng viên và đa số nhân dân đã tự nguyện, gương mẫu, tích cực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào của tỉnh đề ra, như “Ngày Chủ nhật xanh”, "Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần" nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị và khu vực nông thôn ngày càng xanh, sạch, không rác thải, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Đây là hoạt động được đông đảo các địa phương, đơn vị và nhân dân hưởng ứng, tham gia và có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ. Dư luận nhân dân hưởng ứng, đồng thời đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái với thuần phong mỹ tục ngày càng cụ thể và tạo nên một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người dân trong tỉnh.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Thừa Thiên Huế tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm cơ bản, tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, các nhóm giải pháp nêu ra trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nội dung cụ thể hóa của tỉnh nhằm triển khai thực hiện một cách có hiệu quả. Đồng thời, rà soát, bổ sung phù hợp vào các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của các cấp ngành, địa phương, đơn vị nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam, con người Thừa Thiên Huế. Đảm bảo quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, thận trọng; luôn tìm tòi, đổi mới tư duy phát triển vừa đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vừa thúc đẩy và đặt đúng vai trò chủ thể của người dân, các cơ quan, tổ chức, người thực hành văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa; khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thu Hà