205
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 19/12/2022 23:23
Thành phố Huế: Trang trọng Lễ Dâng hương kỷ niệm 234 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (1788 - 2022)
Ngày 18/12 (nhằm ngày 25/11 năm Nhâm Dần), tại Khu tượng đài Anh hùng Dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ ở núi Bân (phường An Tây), UBND thành phố Huế trang trọng tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 234 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (25/11 năm Mậu Thân) (1788 - 2022).

Đến tham dự lễ dâng hương có các đồng chí: Nguyễn Nam Tiến – UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế; Phan Xuân Toàn - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ngô Nam Cường - UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh, lực lượng vũ trang; đại diện các Tôn giáo, nhân sĩ trí thức...

 Về phía lãnh đạo thành phố Huế có các đồng chí: Võ Lê Nhật – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế; Trần Song – UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế; Lê Thị Thanh Bình - UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huế; Trương Đình Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế; Nguyễn Việt Bằng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế; các đồng chí Nguyên lãnh đạo Thành phố; Thủ trưởng các Phòng, Ban; đại diện lãnh đạo 36 phường, xã trên địa bàn Thành phố...

Đọc diễn văn tại Lễ dâng hương kỷ niệm 234 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Trương Đình Hạnh khẳng định: “Lễ dâng hương và kỷ niệm ngày Anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ lên ngôi và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa có nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng tôn kính và tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế đối với công lao hiển hách của vương triều Quang Trung, của người anh hùng dân tộc “áo vải cờ đào”; khơi dậy niềm tự hào, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của các thế hệ anh hùng dân tộc; là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, địa chỉ lịch sử, địa linh văn hóa, hấp dẫn trên bản đồ du lịch của Việt Nam và Thành phố Huế, nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn nhân dân và du khách đến tham quan, tưởng nhớ; góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội – du lịch của tỉnh và thành phố Huế”.

“Năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII; Kế hoạch phát triển KT-XH của thành phố giai đoạn 2021-2025. Với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của hệ thống chính trị và nhân dân, TP Huế có 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 12% so với cùng kỳ; Doanh thu du lịch ước đạt 1.600 tỷ đồng (Tăng 13,3%); Giá trị sản xuất CN – TTCN ước đạt 12.181 tỷ đồng (tăng 11,34%); Giá trị hàng xuất khẩu đạt 180 triệu USD; Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt khoảng 7.000 tỷ đồng (tăng 12,01%); Số giảm hộ nghèo theo chuẩn đa chiều 663 hộ (vượt 50% kế hoạch); Gần 11.000 lao động được hỗ trợ giải quyết việc làm... Chính sách an sinh xã hội được đảm bảo. Lĩnh vực giáo dục, văn hóa - xã hội, y tế phát triển toàn diện, đạt nhiều kết quả to lớn. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định chính trị - xã hội.  Có được kết quả trên nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh, Thành ủy, HĐND thành phố cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao của các các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương và của tất cả nhân dân TP Huế.

Năm 2023, TP Huế tiếp tục phát triển KT-XH trong điều kiện tình hình mới, an toàn trong phòng chống dịch Covid, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn liền đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối liên thông giữa các vùng, miền... Nâng cao chất lượng hành chính công vụ, chuyển đổi số gắn liền xây dựng chính quyền số nhằm phục vụ hiệu quả nhân dân, doanh nghiệp. Tổ chức thành công Festival Nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” cùng đồng hành hưởng ứng Festival bốn mùa để tạo hiệu ứng lan tỏa cho một Thành phố Festival, TP du lịch sạch ASEAN. Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền Nhân dân Thành phố, chúng ta tin tưởng năm 2023, TP Huế sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, quyết tâm xây dựng TP Huế ngày càng giàu đẹp, văn minh, thân thiện với môi trường. Cùng toàn Tỉnh quyết tâm hoàn thành những nhiệm vụ, chỉ tiêu để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị” - Bài phát biểu có đoạn.

Được biết, ngày 22/12/1788 (tức ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân - cách đây đúng 234 năm), tại nơi đây - núi Bân lịch sử, danh tướng thiên tài Nguyễn Huệ đã cho lập đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất, rồi hạ lệnh xuất quân ra Bắc.

Với lối đánh chủ động, liên tục tấn công, thần tốc, bất ngờ, táo bạo và mãnh liệt; đêm 30 Tết - Xuân Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung và đoàn quân Tây Sơn bắt đầu mở cuộc tiến công như vũ bão vào các vị trí cố thủ của địch. Đến mờ sáng mồng 5 tết Kỷ Dậu (30/01/1789), đại quân Tây Sơn mở cuộc tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi - Đống Đa và giải phóng Kinh thành Thăng Long; đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh, giữ vững nền độc lập và chủ quyền quốc gia; tạo nên chiến thắng hiển hách, vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Sau thắng lợi lịch sử này, suốt hơn 10 năm sau đó (1789-1801) Phú Xuân là kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt thời Tây Sơn và là trung tâm chính trị, là nơi hội tụ nhân tài, vật lực và tinh hoa của cả đất nước; với niềm kiêu hãnh “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” vẫn còn âm vang và tồn tại mãi trên đất Phú Xuân - Thuận Hóa xưa, Thừa Thiên Huế ngày nay; trong đó có

Núi Bân - phường An Tây, thành phố Huế đã được Chính phủ công nhận di tích cấp quốc gia mãi mãi là địa chỉ lịch sử linh thiêng, là di tích lịch sử đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, của nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế.  Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế luôn đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của phong trào Tây Sơn và của vị minh quân lỗi lạc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đồng thời, tỉnh hướng đến xây dựng, giới thiệu Trung tâm Di tích núi Bân (được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988) trở thành địa chỉ giáo dục, du lịch, văn hóa hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam nói chung và Cố đô Huế nói riêng.

Thái Hùng