Trao đổi tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết thời gian qua công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Huế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường tại khu di sản Huế luôn được chú trọng và gắn liền với việc đẩy mạnh trao đổi hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn tiên tiến của thế giới và phát triển nguồn nhân lực địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tôn tạo, trùng tu hệ thống di tích lịch sử một cách toàn diện, có hệ thống. Từ năm 1996 đến nay, đã có gần 200 công trình, trong đó có các công trình tiêu biểu như Điện Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh… đã được tu bổ, phục dựng.
Có thể thấy rằng, bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, với sự quan tâm của các ban, bộ, ngành Trung ương trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Huế phát triển đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế một cách toàn diện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình chia sẻ tại buổi làm việc
Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết thời gian qua nhiều chính sách, nhiều kế hoạch phát triển thành phố Huế đã được ban hành nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất Cố đô, xây dựng một thành phố Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại. Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa tại Cố đô Huế luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị di sản và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như khu vực miền Trung và cả nước, trọng tâm là kinh tế du lịch - dịch vụ. Các loại hình di sản văn hóa của Cố đô Huế sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành nguồn lực có giá trị vô cùng to lớn để khai thác và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; góp phần xây dựng thành phố Huế theo hướng “Di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình, năm 2025 là năm Huế quyết tâm tăng tốc, bứt phá và về đích, phấn đấu kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của thành phố (2021 - 2025). Huế sẽ tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa. Di sản văn hóa và du lịch là hai lĩnh vực có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Đặc biệt với một địa phương đặc thù như Huế, di sản đã mang lại giá trị lớn, nét riêng cho du lịch Huế và cũng từ nguồn thu du lịch quay trở lại giúp di sản được bảo tồn xứng đáng. Chặng đường phía trước đặt ra cho thành phố là yêu cầu phát triển hài hòa giữa di sản văn hóa và du lịch cũng như phát huy tối đa giá trị của chúng.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - Vũ Thu Hà trao đổi tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, địa phương ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế khác biệt là du lịch biển, đầm phá; du lịch cộng đồng, gắn với các làng nghề; du lịch ẩm thực, khám phá văn hóa; du lịch văn hóa tâm linh, khám, chữa bệnh… Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh; xây dựng hệ thống và số hóa cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo thành phố Huế và các sở, ngành trong chuyến thăm và làm việc tại thành phố Huế. Đồng thời, bày tỏ ấn tượng trước vẻ đẹp, cũng như những giá trị di sản các công trình kiến trúc Cung điện Huế.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao đổi, đánh giá cao những kinh nghiệm của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chia sẻ, với một số điểm chung về phát triển văn hoá, du lịch của hai địa phương. Yếu tố văn hóa trong du lịch là yếu tố quan trọng, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch luôn được thành phố Hà Nội quan tâm và chú trọng. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà mong muốn với những cách làm hay, sáng tạo, sẽ là kinh nghiệm quý báu để hai bên nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương trong thời gian tới. Qua đó, thúc đẩy giao lưu các hoạt động văn hóa nghệ thuật của hai địa phương, tham gia các lễ hội, Festival giữa hai thành phố, để góp phần lan tỏa, quảng bá các giá trị di sản và văn hóa của mỗi địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Văn Bốn