451
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 22/02/2016 14:42
Tăng cường liên kết để phát triển du lịch
Nhân dịp đầu Xuân Bính Thân 2016, đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trả lời phóng viên VTV8 về liên kết, phát triển du lịch Thừa Thiên Huế. Trân trọng trích đăng nội dung phỏng vấn đồng chí:

Xin đồng chí cho biết những thành tựu kinh tế du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian qua?

 

Du lịch được Thừa Thiên Huế xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân hằng năm đạt trên 10%; giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động. Tỷ trọng khu vực dịch vụ - du lịch chiếm 53% trong GRDP toàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực du lịch giai đoạn 2010 - 2015 đạt trên 7.500 tỷ đồng.

Năm 2015, tổng lượng khách đến Huế đạt trên 3,2 triệu lượt; trong đó, khách lưu trú đạt trên 1,8 triệu lượt (khách lưu trú quốc tế trên 750 nghìn lượt); thời gian lưu trú bình quân gần 2 ngày.

 

 

Nhiều sản phẩm du lịch đã phát huy hiệu quả như du lịch di sản, văn hoá, sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm,...; sự gắn kết chặt chẽ giữa du lịch với văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đã trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế. Đặt biệt, tỉnh đã liên kết mở đường bay Huế - Băng Cốc (Thái Lan), Huế - Đà Lạt; xúc tiến mở đường bay Huế - Nha Trang; xây dựng hạ tầng cảng du lịch tàu biển Chân Mây, đón tàu du lịch trên 5.000 khách.


Vậy đâu là những khó khăn, thách thức của du lịch Thừa Thiên Huế, thưa đồng chí?

 

Thực tế hiện nay, du lịch Thừa Thiên Huế vẫn còn một số hạn chế, đó là hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng chưa cao. 

Doanh nghiệp du lịch quy mô vẫn còn nhỏ, chủ yếu là  kinh doanh thông qua lưu trú. Hoạt động quảng bá, xúc tiến, tìm kiếm, khai thác thị trường còn thiếu đồng bộ và chưa chủ động. Chưa huy động tối đa các nguồn lực tham gia phát triển du lịch; đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch trên một số lĩnh vực còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.


Xin đồng chí cho biết thêm định hướng phát triển du lịch trong năm mới 2016?

 

Trước hết, chúng ta cần tổ chức khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử, cách mạng, danh lam, thắng cảnh... để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phấn đấu năm 2016, thu hút trên 3,5 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng; du lịch - dịch vụ chiếm 54% trong GRDP, đóng góp khoảng 30% thu ngân sách.

Thứ hai là tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị gắn với cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, đặc biệt là Vịnh biển đẹp Lăng Cô, Vườn quốc gia Bạch Mã, phá Tam Giang để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Huế như: Du lịch văn hóa; du lịch sông, biển, đầm phá; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi, giải trí; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch tâm linh; du lịch tham quan các làng nghề truyền thống...

Thứ ba là, tăng cường quảng bá và đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Huế gắn với những đặc trưng về di sản văn hoá, lịch sử, con người thân thiện, điểm đến an toàn... Đồng thời, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá Huế. Đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa hoạt động ngành du lịch, trọng tâm là chuyển đổi mô hình trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế theo hướng thành lập công ty và nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm Festival Huế.

Cuối cùng là đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch theo hướng lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, có uy tín, năng lực và thương hiệu như Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn BRG…

 

Xin đồng chí cho biết thêm về các giải pháp đẩy mạnh liên kết du lịch với các địa phương?

 

Trước hết, Thừa Thiên Huế cần phát huy thế mạnh của văn hoá Huế trong liên kết phát triển du lịch với các vùng, miền, khu vực và quốc tế, đặc biệt là cụm di sản miền Trung: Huế - Hội An - Mỹ Sơn - Phong Nha, Kẻ Bàng - các tỉnh Tây Nguyên để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Kết quả nổi bật là Thừa Thiên Huế đã tiến hành liên kết 3 địa phương - một điểm đến với Đà Nẵng và Quảng Nam. Trong đó, ba địa phương đã xác định được thị trường quốc tế chung là Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu. Ba địa phương đã cùng chung sức để xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế mới. Thành lập các Tổ công tác phát triển du lịch các địa phương gồm: Tổ phát triển sản phẩm, Tổ xúc tiến du lịch và Tổ phát triển nguồn nhân lực và quản lý chất lượng du lịch.

Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục ký kết để mở rộng liên kết với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên để tạo kết nối cho doanh nghiệp trong các chương trình xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch.

 

 

Với những định hướng đó, chúng ta tin tưởng rằng, năm 2016 và những năm tiếp theo, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ kết nối tình cảm và liên kết ngày càng chặt chẽ với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để phát triển mạnh ngành du lịch, đưa du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.

 

VTV8