Với đặc thù là một trong những trung tâm tôn giáo của miền Trung và cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh quốc phòng, đời sống tâm linh là một bộ phận cấu thành những nét đặc trưng của văn hóa Huế; sinh hoạt tôn giáo, nhất là Phật giáo ảnh hưởng đậm nét trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Huế.
Trong những năm qua, với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo đã động viên, hướng dẫn tín đồ luôn gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo", "Đền ơn đáp nghĩa", “Xây dựng nông thôn mới”...; đã phối hợp với chính quyền địa phương tham gia tích cực công tác giáo dục, y tế, từ thiện xã hội, các công trình điện, đường, trường, trạm và nhiều công trình phục vụ dân sinh khác mỗi năm có giá trị hàng chục tỷ đồng (năm 2014 là 24 tỷ đồng), góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con tín đồ nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung.
Hội thảo đã nghe và trao đổi, tham luận 5 vấn đề, khẳng định Huế là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước và Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc; lý giải mối liên hệ giữa Phật giáo với phụ nữ Huế và việc kết nối hoạt động của Hội LHPN với ni giới; đưa ra những kinh nghiệm phát huy điểm tương đồng nhằm thực hiện mục tiêu chung vì sự phát triển bình đẳng tiến bộ của các tầng lớp phụ nữ cùng với các thành viên trong xã hội; dự báo một số vấn đề cần quan tâm và tổng hợp một số kiến nghị đề xuất với các cơ quan nhà nước,với Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Hội thảo là một trong những cơ sở giúp Đoàn công tác Trung ương Hội LHPN Việt Nam khảo sát về công tác dân tộc, tôn giáo đánh giá một số hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ lần thứ XI và định hướng công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ tôn giáo giai đoạn 2017 - 2022.
Ngô Hương Thủy