39
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 10/12/2024 17:00
Quảng bá di sản qua hoạt động thể thao
Nhiều hoạt động thể dục, thể thao thời gian qua đã và đang dần vượt qua khuôn khổ một hoạt động thể thao đơn thuần để trở thành sự kiện văn hóa ấn tượng, thu hút đông đảo vận động viên, người hâm mộ trong và ngoài nước. Đây còn là hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá đất nước, con người Việt Nam nói chung và Huế nói riêng, giúp du khách hiểu thêm về truyền thống văn hóa di sản của mảnh đất cố đô.
Các vận động viên giải vô địch đá cầu Châu Á tham quan Đại Nội Huế

Huế nổi tiếng với nhiều lăng tẩm, đền đài, trong đó nổi bật là quần thể lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn. Tại xã Hương Thọ, thành phố Huế đã diễn ra giải chạy bộ mang tên cung đường Di sản. Tham gia giải các vận động viên chạy qua khu vực, khuôn viên bên trong lăng Gia Long, di tích tuyệt đẹp trực thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, nơi an nghỉ của vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn; cùng với đó các vận động viên khám phá và tìm hiểu các lăng chúa Nguyễn trên cung đường chạy này. Anh Hoàng Chí Công, Vận động viên tâm sự:Lần đầu tiên tôi được tham dự giải Hương Thọ Jogging, tôi chạy qua các cung đường di sản của Huế, tôi cảm thấy rất là tuyệt vời và phấn khích, những cung đường ở đây rất đẹp và thơ mộng khi đi qua các lăng vua. Hoạt động văn hóa thể dục như thế này nó góp phần rất lớn đến thúc đẩy đầu tiên là hoạt động sống khỏe của người dân, thứ hai là quảng bá các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương”. Ông Mai Văn Phương, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hương Thọ, thành phố Huế cho biết: “Xã Hương Thọ có các di tích như Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Điện Hòn chén và Lăng các Chúa Nguyễn, với các hoạt động thể thao diễn ra trên địa bàn góp phần quảng bá thêm các điểm du lịch di tích lịch sử để mà mọi người dân và du khách biết đến”.

Các vận động viên chạy bộ qua lăng Gia Long 

Bên cạnh cách làm truyền thống, các hoạt động thể thao gắn kết với các văn hóa di sản đang là cách thức truyền tải một cách chân thực, hữu hiệu và ấn tượng những thông điệp, hình ảnh về Huế. Không chỉ các giải thể thao trong nước mà nhiều giải quốc tế cũng đã được tổ chức tại Huế. Đơn cử như giải Vô địch Đá cầu Châu Á và Vô địch Đá cầu trẻ Châu Á năm 2024 các vận động viên ngoài việc tranh tài còn tham gia các hoạt động ngoại khoá tìm hiểu về các lăng tẩm, di tích lịch sử của vùng đất cố đô. Anh Cheong Chi Hong, Vận động viên đoàn thể thao Ma Cao, Trung Quốc chia sẻ “Tôi cảm thấy rất thích thú khi đến Huế vì không chỉ tham gia thi đấu mà mà chúng tôi còn được tham quan các di tích, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa di sản nơi đây”.

Giải bóng rổ diễn ra Bia Quốc Học Huế 

Sự gắn kết chặt chẽ của phát triển hoạt động thể thao, du lịch trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là tất yếu trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội chung hiện nay. Với tiềm năng và thế mạnh hiện nay khi Thừa Thiên Huế có nhiều di sản, di tích lịch sử nổi tiếng, cùng hạ tầng phát triển ngày càng đồng bộ, hiện đại, thì việc kết hợp giữa thể thao và di sản sẽ tạo ra nhiều động lực và giá trị trong thời gian tới. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn Hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ thêm: “Trong thời gian qua, thể thao không chỉ đem lại niềm vui về sức khỏe, về sự đoàn kết mà còn là một phương tiện quảng bá các di tích, đền đài, lăng tẩm và có thể nói là những điều đó đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế và họ chính là những sứ giả lan tỏa những giá trị văn hóa Huế, thương hiệu Huế đến với rất nhiều quốc gia trên thế giới”.

Giải chạy bộ Hương Thọ Jogging Cung đường di sản 

Việc kết hợp giữa quảng bá di sản và tổ chức các giải thể dục, thể thao không chỉ giúp Huế giới thiệu được hình ảnh của mình mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo nên một sân chơi hấp dẫn và ý nghĩa cho cộng đồng. Hoạt động này là minh chứng cho sự nỗ lực của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác và đầu tư tiềm năng cho ngành du lịch thể thao của tỉnh.

Nguyễn Hiếu