4123
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 23/11/2017 16:34
Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thừa Thiên Huế
Sáng ngày 23/11, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thừa Thiên Huế, thực tiễn và vấn đề đặt ra”.

 

Tính đến tháng 9/2017, Thừa Thiên Huế có 156 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp Tỉnh, trong đó có Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới và được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt, ngoài ra, hệ thống đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) đoạn đi qua địa phận Thừa Thiên Huế cũng đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Các nhóm di tích được phân cấp quản lý bởi các đơn vị: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý Quần thể di tích Triều Nguyễn; Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế quản lý các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình của Người và một số di tích do Bảo tàng Lịch sử quản lý hoặc phối hợp quản lý.

 

Trên cơ sở thực trạng và giải pháp, các tham luận tại Hội thảo cũng đã đề xuất một số vấn đề về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tập trung vào các vấn đề như: hoàn thiện cơ chế phù  hợp với thực tiễn địa phương; kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; công tác phối hợp, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về kỹ thuật, khoa học công nghệ trong triển khai tu bổ, tôn tạo di tích; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, hoạt động trùng tu di tích, tổ chức lễ hội tại di tích…

 

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ kết quả thực tiễn trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; đồng thời để tiếp tục nâng cao công tác quản lý Nhà nước, tăng cường sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa đến người dân, tạo điều kiện để nhân dân nâng cao ý thức và ứng xử với các di sản văn hóa với tư cách là là chủ nhân của di tích, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các nghị định, thông tư hướng dẫn trong việc phân cấp quản lý và phát huy giá trị di tích nhằm chủ động tham gia vào quá trình bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.

 

Châu Thu Hà