646
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 19/01/2022 17:10
Phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô
Sáng 19/01, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Đến tham dự hội nghị có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Năm 2021, lượng khách đến tham quan di tích Huế chỉ đạt 208.370 lượt, giảm 75,8% so với năm 2020. Doanh thu bán vé tham quan 19,802 tỷ đồng, đạt 16,5% so với kế hoạch giao đầu năm, giảm 81,4%. Mặc dù là năm với nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành một số nhiệm vụ cơ bản và góp phần vào việc thực hiện thành công một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Năm 2021 khép lại với nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên, Di sản văn hóa Cố đô Huế vẫn giữ vững được thương hiệu du lịch Văn hóa hàng đầu cả nước, khi vinh dự đón nhận được Giải thưởng du lịch Asean ở hạng mục Giải thưởng Sản phẩm du lịch bền vững thành thị cho “Sản phẩm tham quan thành phố Huế - 1 điểm đến 5 Di sản”.

Đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình Di sản Văn hóa Phi vật thể: Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng Cung đình,… góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích Huế. Công tác nghiên cứu, phục hồi, dàn dựng và tổ chức biểu diễn tiếp tục được quan tâm, Trung tâm đã thực hiện tốt các đề tài cấp cơ sở phục vụ công tác phát huy các giá trị Nhã nhạc, Âm nhạc cung đình Huế, như: “Ứng dụng hồ sơ khoa học mặt nạ Tuồng Huế vào chế tác mặt nạ Tuồng”; công trình cấp cơ sở: “Về các bài bản Nhã nhạc - 10 bản Ngự”. Năm 2021, mặc dù khó khăn nhưng Trung tâm đã nỗ lực nghiên cứu, tổ chức thực hiện được một số chương trình nghệ thuật, sự kiện để lại nhiều dấu ấn, như: Chương trình Chào mừng năm mới Tân Sửu 2021; lễ Ban Sóc... Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức tập luyện các chương trình nghệ thuật để sẵn sàng đón du khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ những khó khăn với ngành du lịch tỉnh nhà nói chung và của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói riêng. Tuy nhiên, trước những tín hiệu phát triển ngành du lịch trở lại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ động đưa ra các giải pháp, kế hoạch để đảm bảo hoạt động hiệu trong tình hình mới, đạt được những nhiệm vụ quan trọng trong năm mới.

Cụ thể, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần chuẩn bị thật tốt các điều kiện về con người, chuyên môn, về cơ sở vật chất, về môi trường cảnh quan, về ứng dụng công nghệ… để phục vụ cho du lịch, dịch vụ khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế quay lại trạng thái hoạt động bình thường. Chủ trì, phối hợp đẩy nhanh việc thực hiện các cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý, phát huy giá trị di sản như Quy hoạch Bảo tồn, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Đề án phát triển dịch vụ tại các khu di tích. Chủ động trong quan hệ đối ngoại để tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước trên mọi lĩnh vực. Quyết tâm xây dựng và thực hiện Đề án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của Trung tâm theo hướng hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phát huy tính tự chủ, sáng tạo cho các đơn vị. Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Trung tâm.

Ngọc Minh