491
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 22/09/2014 09:45
Những giá trị không phù hợp với mỹ tục sẽ bị loại trừ
Ngăn chặn linh vật ngoại lai trong các di tích văn hóa lịch sử là một trong những nỗ lực bảo vệ văn hóa truyền thống. Nhưng làm thế nào để văn hóa Việt hội nhập giữ được bản sắc, chứ không phải là chuyện nửa vời, PV có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Phan Thuận An về vấn đề này.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An

PV: Thưa ông chưa bao giờ văn hóa thuần Việt được đề cao như ở thời kỳ hội nhập này, mà việc bài trừ linh vật ngoại lai là một điển hình. Ông suy nghĩ vấn đề này như thế nào?

 

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An: Con Lân theo tâm thức của người Việt Nam từ bao nhiêu thế kỷ  nay là con vật hết sức hiền lành, nó không dẫm đạp lên cỏ, nó sợ cây cỏ chết đi và thậm chí nó không ăn côn trùng nữa, lòng nhân từ của nó đến mức như vậy. Cho nên chúng ta thấy con Lân đã được trang trí để nói lên hình ảnh  nhân từ, phúc hậu, và còn có thêm ý nghĩa nữa là may mắn. Theo quan niệm khi có Kỳ Lân xuất hiện đất nước sẽ thái bình. Tuy vậy, nói Kỳ Lân là con thú thuần Việt thì cũng chưa hẳn đâu vì bên Trung Quốc người ta cũng có hình ảnh con Lân; nhưng nó khác chúng ta vì con Lân của chúng ta hiền lành hơn và có ý nghĩa nhân văn hơn. Cho nên tôi cho rằng đó là một con linh vật mà chúng ta cần phải tiếp tục sử dụng để phần nào nói lên tâm hồn của người Việt.

 

Trở lại với mấy con sư tử đá, khi chúng ta so sánh hình ảnh với con Kỳ Lân, thì nó nhỏ nhắn, nó không to lớn vĩ đại, dữ dằn.. Riêng hình ảnh sư tử  gây cho ta có cảm giác dữ tợn, cái đó có ở đất nước Trung Hoa mấy ngàn năm của họ rồi. Theo tôi mình không nên dùng những hình ảnh ngoại lai một cách rùng rợn như thế để trang trí trong các công trình kiến trúc đẹp của chúng ta.

 

Sau một thời gian rầm rộ ra quân, điều dễ nhìn thấy nhất là sự lãng phí khi di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi di tích, cụ thể là sư tử đá. Bây giờ một  vấn đề đặt ra là gom linh vật này ở đâu, xử lý  như thế nào…rõ ràng chuyện này không hề đơn giản?

 

- Nếu lợi cho văn hóa của dân tộc ta nên hy sinh cái lợi trước mắt, dù nó có mắc tiền, dù nó đã được làm nên từ rất nhiều bàn tay thợ khéo léo và công việc được thực hiện một cách công phu. Theo tôi văn hóa quan trọng hơn kinh tế nhiều.

 

Có quan điểm cho rằng cung cách quản lý văn hóa của chúng ta đang nửa vời, vấn đề này tôi không đi thực tế nên không nắm chắc người ta làm đến mức nào. Bởi vậy, tôi không có ý kiến. Nếu khi người ta nói làm xong rồi thì khi đó mình mới đánh giá được.

 

Nếu sư tử đá mang dáng dấp ngoại lai, được sản xuất 100% là của người Việt, từ nguyên vật liệu đến nhân công thì sao, thưa ông?

 

- Cái này cũng phải đi khảo sát cụ thể, ví dụ muốn so sánh con sư tử Việt Nam với  các tượng sư tử ở  các nước như Sigapore, Trung Quốc, Hongkong…  với con vật mình chế tác ra đây giống hay không. Nói rằng cái thần thái của con vật sản xuất ở Non Nước nó do tâm hồn của người Việt Nam làm ra, nhưng phải xem cho kỷ, có phải vậy không, còn ngồi một chỗ mà nói những điều không thấy tận mắt thì cũng khó, do đó phải đi thực tế để đối sánh.

 

Vậy theo ông, nên hiểu thuần Việt và bảo tồn văn hóa Việt theo hướng nào?

 

- Theo tôi, lịch sử có nhiều giai đoạn, đặc biệt trong lịch sử kiến trúc thì nó có nhiều tầng lớp (ngành khảo cổ học chẳng hạn). Ví dụ khi khai quật Hoàng thành Thăng Long thì người ta phát hiện nhiều tầng như: đời Lý, đời Trần, đời Lê… hay lịch sử thành Hóa Châu, khi đào dưới lên thì ta thấy các di vật của Chàm rồi đến di vật của Việt Nam… nó có nhiều giai đoạn lịch sử hợp lại với nhau để tạo thành một giá trị văn hóa.

 

Nhưng mà khi nói đến kiến trúc Pháp trên đất nước Việt Nam, ta thấy người Pháp họ có văn hóa riêng của họ và khi họ đem văn hóa kiến trúc của Pháp vào Việt Nam để xây dựng các khu phố Tây tại các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế… họ đã có sự kết hợp hài hòa giữa triết lý kiến trúc của Việt Nam và kiến trúc của người Pháp. Cụ thể ở Huế, khi họ xây dựng khu phố Tây ở phía nam sông Hương từ Đập Đá lến đến ga Huế, họ đã rất khiếm tốn, không lấn át hệ thống kiến trúc của kinh thành Huế, cung điện và nhiều kiến trúc cổ khác ở phía bờ bắc sông Hương. Đó là họ đã xây dựng những công trình không cao tầng. Ví dụ, khi muốn xây dựng một đài kỷ niệm (người Huế thường gọi là bia Quốc học) các chiến sỹ trận vong người Pháp chết trong chiến tranh thế giới thứ nhất và 79 người Việt Nam đã từng qua chiến đấu ở châu Âu, nhưng họ không xây dựng một đài tưởng niệm lớn như ở Pháp hay ở Mỹ, họ xây dựng với hình thức một tấm bình phong. Và đến bây giờ giá trị về mặt nghệ thuật, mỹ thuật không ai có thể chê được cả. Ngoài ra các kiến trúc Pháp ở phía nam sông Hương như trường Quốc Học, trường Đồng Khánh (trường Hai Bà Trưng ngày nay); Hay cây cầu Trường Tiền xây dựng năm 1897-1899, đây là cây cầu mềm mại phù hợp với sông Hương.

 

Người Pháp không thô bạo đối với kiến trúc và cảnh quan Việt Nam. Do đó, khi gìn giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa thuần Việt, chúng ta cũng cần gìn giữ những văn minh đến từ các nền văn hóa khác- nếu tốt đẹp phù hợp, bổ ích cho văn hóa Việt Nam. Riêng tôi nghĩ, cái gì phản cảm không phù hợp với phong tục, văn hóa của người Việt thì ắt nó bị loại trừ.

 

Trân trọng cảm ơn ông !

 

ĐĐK