49
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 23/12/2024 17:16
Những Di sản Huế được vinh danh trong năm 2024
Ngày 30 tháng 11 năm 2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, Việt Nam sẽ có 06 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hải Phòng, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Cần Thơ và Thành phố Huế. Việc các di sản văn hóa Huế liên tục được vinh danh càng góp phần khẳng định mục tiêu xây dựng thành phố Huế trực thuộc trung ương với mô hình đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh…, giải quyết hài hòa công tác bảo tồn và phát triển sẽ tạo tiền đề cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Những bản đúc nổi trên 09 đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế

Kể từ khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 2003, đến nay Huế còn có 7 di sản văn hóa phi vật thể và tư liệu khác gắn liền với vùng đất Huế nói chung và triều Nguyễn nói riêng đã được UNESCO vinh danh: Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại); Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế (Di sản tư liệu). Ngoài ra còn có 6 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (Nghệ thuật trình diễn dân gian), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (Nghề thủ công truyền thống), Lễ hội truyền thống ADaKoonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô (Lễ hội truyền thống), Tri thức may, mặc áo dài Huế (Tri thức dân gian), Nghề làm bún Vân Cù (Nghề thủ công truyền thống), Lễ hội điện Huệ Nam (Lễ hội truyền thống). Điều đặc biệt, chỉ trong năm 2024, Huế đã có thêm 01 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh và 03 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những bản đúc nổi trên 09 đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế

Những bản đúc nổi trên 09 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là dương bản duy nhất, hiện đặt trước sân Thế Tổ Miếu trong Hoàng cung Huế, gồm 162 hình ảnh và chữ Hán được vua Minh Mạng cho đúc tại Huế vào năm 1835 và hoàn thành năm 1837. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, vua Minh Mạng đã dùng hình thức đặt tên người phụ nữ lên dòng kênh để ghi dấu công lao, điều mà rất hiếm thấy dưới chế độ phong kiến. Đáng lưu ý nhất là nghệ thuật đúc đồng và kỹ thuật của người thợ để tạo nên tác phẩm đặc sắc, độc đáo. Do ảnh hưởng sâu đậm nền văn hóa phương Đông về quan niệm con số “9” nên vua Minh Mạng đã cho đúc 09 đỉnh là bao hàm ý nghĩa tính thống nhất và trường tồn của triều đại. Các bản đúc nổi trên 09 đỉnh đồng đảm bảo tính nguyên vẹn, là “nhân chứng” lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của triều đại, và điều quan trọng nhất là di sản tư liệu này được thể hiện dưới dạng hình ảnh và chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn và ngay cả vị trí đặt 09 chiếc đỉnh cũng chưa từng bị dịch chuyển.

Những bản đúc nổi trên 09 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế còn lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Ngày 08 tháng 05 năm 2024, tại Kỳ họp thứ 10 diễn ra ở Thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), “Những bản đúc nổi trên 09 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tri thức may, mặc áo dài Huế

Năm 1744, sau khi xưng Vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc Áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Từ năm 1826 đến năm 1837, chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Áo dài Huế

Trang phục áo dài không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đặc biệt đã được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội, gắn liền việc phân định danh phận, vị thế, vai trò cá nhân, giai tầng trong xã hội. Áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng, trước nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, rồi cả đến những lớp người trung niên, người già, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, ở ngoài chợ... Các cô gái chọn màu áo trắng hay màu tím nhạt, các em học sinh, sinh viên chọn màu áo dài tím Huế thành màu đồng phục... Tà áo dài trắng, tím cùng với nón bài thơ luôn đi liền với hình bóng người phụ nữ Huế mọi lúc, mọi nơi, trong nhà, ngoài phố.

Sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa - giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài mà không dễ tìm thấy ở những vùng đất khác. Bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân Huế phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.

Vùng đất xứ Huế, nơi chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất Cố đô. Đó còn là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của người phụ nữ Huế. Nhắc đến Huế, người ta nghĩ ngay đến vùng đất Kinh kỳ gắn liền với nhiều hoạt động lễ hội đa dạng, cùng với hình ảnh những tà áo dài truyền thống, đậm đà, duyên dáng. Ngày nay, tuy không giữ nguyên nếp cũ, nhưng tỷ lệ áo dài của phụ nữ Huế khi ra đường vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất của cả nước. Đàn ông Huế cũng thường sử dụng áo dài trong các hoạt động long trọng của mình như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp tết... tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, người phụ nữ duyên dáng, đoan trang. Áo dài tô thêm dáng vẻ trầm mặc của Huế.

Các hiệu may đo áo dài Huế chủ yếu phân bố tập trung tại các vùng Gia Hội - Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam... Đây là những vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung đông đúc và nơi sinh sống của các gia đình, dòng họ có truyền thống may đo áo dài Huế. Áo dài là minh chứng cho sự phát triển của trang phục Việt Nam, đồng thời cho thấy quá trình hội nhập và cả sự tác động của khoa học công nghệ dệt đã tạo nên sự đa dạng về chất liệu vải, màu sắc và họa tiết hoa văn phong phú cũng như nguyên phụ liệu quan trọng trong ngành thời trang. Vì thế, áo dài Huế không đơn thuần chỉ là những thiết kế mang giá trị truyền thống như ngày trước. Áo dài ngày nay đã trở thành đối tượng tạo ra sự cảm hứng trong nghệ thuật thiết kế giàu tính sáng tạo nghệ thuật phù hợp với tư duy mang dấu ấn cá nhân, thể hiện quan niệm thẩm mỹ độc lập.

Với giá trị tiêu biểu, Tri thức may, mặc áo dài Huế vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL ngày 09/8/2024.

Nghề làm bún Vân Cù

Vân Cù (nay thuộc thôn Vân Cù - Nam Thanh, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) là một làng nghề thủ công truyền thống làm bún có lịch sử lâu đời và nổi tiếng ở Thừa Thiên Huế, vẫn được duy trì và phát triển đến ngày nay. Lịch sử hình thành làng Vân Cù và quá trình ra đời nghề thủ công làm bún gắn bó chặt chẽ với bối cảnh lịch sử chung sự ra đời làng xã, làng nghề vùng Thuận Hóa, đặc biệt là các làng xã lân cận ven sông Bồ vùng Hương Trà và Đan Điền, nay là thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền.

Nghề làm bún Vân Cù phản ánh bản sắc địa phương, là tinh hoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, các sản phẩm thủ công truyền thống nghề bún không chỉ là hàng hóa thuần túy kinh tế mà còn là mang tính sáng tạo và nghệ thuật, phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng người dân Vân Cù. Bên cạnh đó còn là nền tảng truyền thống đạo đức trong các phép tắc, lễ nghĩa và các quan hệ ứng xử cũng như văn học dân gian làng xã. Bún làng Vân Cù đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, mang lại giá trị tinh thần to lớn cho đời sống cư dân bên cạnh giá trị kinh tế.

Bún Vân cù

Nghề làm bún làng Vân Cù là kết tinh của kinh nghiệm, tri thức, kỹ thuật, quy trình sản xuất được hình thành qua hàng trăm năm, là sản phẩm có bề dày lịch sử của văn hoá xứ Huế, gắn với cộng đồng làng xã ven sông Bồ, được lưu giữ trong các nghệ nhân và những người thực hành nghề. Nghề làm bún gắn với làng Vân Cù từ lịch sử hình thành dân cư và phát triển kinh tế, là một bộ phận của làng Việt cổ truyền ở miền Trung, đã tạo ra nhiều sản phẩm ẩm thực phổ biến không chỉ có giá trị về hàng hoá mà còn có nhiều giá trị về văn hoá và lịch sử, con người nơi đây. Đó là các giá trị tinh thần của nghề làm bún gắn với đời sống của cư dân, cảnh quan làng xã, môi trường sống, cùng các hệ thống giá trị và chuẩn mực, lối sống, phong tục tập quán, lễ hội, lễ tế Bà Bún,… tạo thành một “bảo tàng sống” về truyền thống văn hóa.

Bún làng Vân Cù với lịch sử lâu đời, với nhiều sản phẩm phong phú và chất lượng, đã từ lâu đóng vai trò cung cấp nguyên liệu chính để làm nên nhiều món ăn phổ biến và nổi tiếng, qua đó góp phần tạo sự đa dạng, phong phú của ẩm thực Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Bún không chỉ là món ăn dân dã, thích hợp với khẩu vị của rất nhiều người, từ sản phẩm của bún có thể chế biến, kết hợp thành nhiều món ẩm thực hấp dẫn. Phân loại các món ăn từ bún dựa trên các tiêu chí là cơ sở của một hệ thực đơn rất phong phú và đa dạng, đặc sắc và độc đáo như: bún nước và bún khô, bún trộn, bún xào; bún mặn và bún chay…

Văn hóa ẩm thực gắn với bún Huế cũng được thể hiện qua cách người Huế đãi khách ăn sáng ở những quán bún ngon nổi tiếng theo hương vị truyền thống, mời khách đến chơi nhà ở lại dùng bữa cơm với gia chủ chỉ cần mua thêm cân bún về đãi khách cũng thể hiện sự trân trọng thân quý khách. Hiện nay có các món ăn từ bún phổ biến như bún bò (thịt, gân), bún heo (giò, thịt), bún hến, bún mắm nêm, bún nghệ, bún cá (cá ngừ, cá nục,…), bún ốc, bún chả (chả thịt, chả cua,…), bún vịt, bún huyết (huyết vịt, lợn,…), bún hải sản (mực, tôm, cua, giấm nuốc,…), bún chay, bún đậu mắm tôm, bún riêu cua, bún chả cá, bún thịt nướng, bún xì dầu, canh mướp ngọt nấu bún… Có rất nhiều và phổ biến các món ăn từ bún kết hợp với 1 số nguyên liệu khác có tác dụng chữa một số bệnh thông thường, hàng ngày như bún xào ném, xào nghệ, xào hẹ, xào tiêu ớt, xào lòng nghệ, xào khế… Huế còn nổi tiếng với món bún chay. Như một cách tự nhiên, bún góp phần định hình danh tiếng của Huế so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với 3 món ăn đặc trưng là phở Hà Nội, bún bò Huế, hủ tiếu Sài Gòn.

Bún Vân Cù đã góp một phần vào sự phát triển của nghề chế biến lương thực, thực phẩm, tạo sức bật cho nền ẩm thực Huế nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung có thể tiến xa hơn tới các quốc gia trên thế giới, góp phần giới thiệu những tinh hoa ẩm thực và xây dựng đất nước phát triển. Nghề làm bún với bao tâm huyết của người làm nghề, vì vậy không chỉ góp phần làm nên sự nổi tiếng của địa danh Vân Cù, mà còn góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu của Huế nức tiếng gần xa: Bún Huế, Bún bò Huế.

Với những giá trị độc đáo, ngày 10 tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề thủ công truyền thống: Nghề làm bún Vân Cù vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội điện Huệ Nam

Lễ hội điện Huệ Nam được tổ chức tại địa điểm chính là điện Huệ Nam tọa lạc tại làng Hải Cát, xã Hương Thọ, thành phố Huế. Ngoài ra, lễ hội này còn diễn ra tại Thánh đường 352 Chi Lăng, phường Phú Hậu, thành phố Huế và đình làng Hải Cát tại xã Hương Thọ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lễ hội điện Huệ Nam đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, cũng từng ở giai đoạn hưng thịnh và suy thoái cùng với các biến thiên của lịch sử. Với những giá trị mà lễ hội mang lại cũng như sự tham gia đông đảo và nhiệt tình đã khẳng định sức sống mạnh mẽ và trường tồn của lễ hội điện Huệ Nam. Lễ hội này giai đoạn đầu chỉ diễn ra trong phạm vi điện Huệ Nam, rồi sau có sự tham gia của dân làng Hải Cát và dần dần phổ biến rộng rãi trong nhân dân, góp phần nuôi dưỡng, phát triển và bảo vệ khi bước vào giai đoạn suy thoái, nay đã trở thành một lễ hội truyền thống và mang bản sắc của các Thánh môn đệ tử thờ Mẫu ở Việt Nam, nó cũng đã trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu cho vùng đất Huế. Lễ hội điện Huệ Nam đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều vùng miền trong cả nước.

Lễ hội điện Huệ Nam

Tuy trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng lễ hội điện Huệ Nam vẫn diễn ra đều đặn một năm hai lần vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, với các hình thức quan trọng là lễ cung nghinh Thánh Mẫu và chư vị tại Thánh đường 352 Chi Lăng thông qua đám rước bằng đường bộ, đường thủy, lễ Cáo yết, lễ Chánh tế tại điện Huệ Nam và đình làng Hải Cát, sinh hoạt tín ngưỡng, thực hiện nghi lễ hầu đồng trên các bằng án. Lễ hội điện Huệ Nam thể hiện được tầm ảnh hưởng, quy mô với sự tham gia đông đảo cộng đồng Thánh môn đệ tử của Mẫu và du khách thập phương trong và ngoài nước đến tham dự lễ hội.

Lần đầu tiên trong khuôn khổ Festival Huế 2022, lễ hội điện Huệ Nam tháng 3 tổ chức nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu, Hội đồng Tứ phủ bằng đường bộ nhằm tái hiện và xây dựng một Carnaval dân gian độc đáo và có quy mô lớn. Đây cũng chính là cơ sở để Ban tổ chức lễ hội điện Huệ Nam cũng như cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu tiếp tục duy trì nghi lễ này bằng đường bộ (2 năm một lần), đúng như hình thức mà các thế hệ tiền nhân đã từng thực hiện. Có thể nói, lễ hội truyền thống này đã đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

Lễ hội điện Huệ Nam là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, nhằm thỏa mãn những nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của địa phương. Lễ hội là sự biểu thị đức tin của con người trong không gian tâm linh, nhằm bày tỏ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu kính với thần linh bằng các hoạt động đáp tạ cụ thể, tạo nên phương tiện kết nối giữa con người với thế lực siêu nhiên. Theo đó, những nghi thức như lễ cung nghinh Thánh Mẫu và chư vị, lễ cáo yết, lễ chánh tế, hầu đồng cũng như những lễ vật mà con người dâng lên Mẫu là những sản vật do chính họ làm ra từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi hoặc đánh bắt được… là minh chứng sinh động của sự kính trọng thánh môn đệ tử đối với đấng thần linh. Thông qua phần hội, ranh giới giữa thần linh với người trần có sự gần gũi hơn, vừa có thể tìm được nhau trong một lối đối thoại mà tưởng như đó là những câu nói của người thân đang quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của nhau.

Với những giá trị độc đáo, ngày 10 tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống: Lễ hội điện Huệ Nam vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những di sản Huế được vinh danh càng góp phần khẳng định mục tiêu xây dựng thành phố Huế trực thuộc trung ương với mô hình đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh… giải quyết hài hòa công tác bảo tồn và phát triển sẽ tạo tiền đề cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Nguyễn Thị Lợi