1045
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 04/05/2015 15:49
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Đất nước" với tôi rất bình dị, gần gũi mà vô cùng thiêng liêng
Đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tưng bừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã dành cho Báo Quân đội nhân dân một cuộc trao đổi cởi mở với những ký ức sống động về cuộc đời cầm súng, cầm bút của bản thân ngay tại số nhà 250 phường Vĩ Dạ, TP Huế, nơi ông đang sinh sống.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

- Thưa nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ những năm chiến tranh chống Mỹ, xin ông cho bạn đọc biết cơ duyên nào từ một người lính cầm súng thôi thúc ông cầm bút làm thơ?

 

- Sau Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tôi được mời tham gia trại viết do nhà văn Nguyễn Xuân Thiều chủ trì, chủ đề tập trung viết về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong cuộc chiến Tết Mậu Thân. Lần tham gia trại viết này, tôi đã có ký sự đầu tay “Cửa Thép”. Ký sự này phản ánh cuộc chiến đấu giằng co, ác liệt giữa ta và địch tại cửa Đông Ba. Ký sự của tôi dày khoảng 70 đến 80 trang, nhưng khi nộp bản thảo lên anh Thiều thấy chưa ổn, anh bảo viết gò bó quá, bảo tôi viết lại. Phải đến lần sau “Cửa Thép” mới thành công, được anh Thiều khen và gửi ra Hà Nội in thành sách. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã giới thiệu “Cửa Thép” trên Văn nghệ Quân đội. Như vậy, trước khi đến với thơ, tôi đã có tác phẩm văn xuôi đầu tay. 

 

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sinh ngày 15-4-1943, tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thân sinh của ông là nhà cách mạng, nhà báo Hải Triều. Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại Trường học sinh miền Nam và tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964. Năm 1965, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế. Tháng 2 năm 1968, Nguyễn Khoa Điềm nhập ngũ vào Trung đoàn 5, Tỉnh đội Thừa Thiên-Huế, sau đó chuyển qua Trung đoàn 9 Bộ Tổng tham mưu. Ông tham gia Chiến dịch Mậu Thân 1968 và từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo: Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V; Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Nhà thơ đã được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập "Ngôi nhà có ngọn lửa ấm" (1986), Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật 2001.

Tôi đến với thơ hơi muộn. Bài Đất ngoại ô là một trong những tác phẩm thơ đầu tiên của tôi-1969. Nhiều bạn đọc cho rằng Đất ngoại ô khá mới mẻ. Các câu thơ được kéo dài một cách tự do phóng khoáng, không quá câu nệ vào vần điệu. Lời thơ tự nhiên, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Những câu thơ, những đoạn thơ trong Đất ngoại ô chứa đầy suy tư. Từ quá khứ, đối chiếu với hiện tại: Vườn thơ xưa không có gã áo trắng đi về/ Ngơ ngẩn đọc thơ buồn trong tiếng guốc cạo râu/ Chỉ còn người phu xe cũ/ Nghiêng cốc rượu chiều nhòe những mái tôn... tôi nhìn thấy trong cái nắng tháng năm run rẩy những oan hồn. Và tự hỏi: Ôi mùa phượng hay lòng tôi cháy đỏ?. Ngọn lửa căm thù của đồng bào miền Nam đã biến thành giông bão: Sức trăm năm rung chuyển xuống lòng đường/ Cả ngoại ô làm chiến lũy sông Hương... Trước đó, tôi từng lấy bút danh Mặc Hữu, Hướng Dương ký dưới những bài báo, nhưng lần này tôi dùng tên thật của mình khi quyết định gửi bản thảo ra Hà Nội. Sau Đất ngoại ô tôi có bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được đăng trang trọng trên Báo Văn nghệ. Tôi đến với thơ từ đó và bạn đọc yêu thơ cả nước cũng bắt đầu biết đến cái tên Nguyễn Khoa Điềm.


- Thơ ông giàu chất suy tư, thể hiện tâm tư của người thanh niên trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, có nhiều nhà thơ, nhà văn viết về đất nước. Nhưng “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm là mạch suy tư về nhân dân, lối thể hiện tự nhiên, bình dị, phóng khoáng vốn có. Không ai nói về đất nước dễ hiểu như ông! “Đất nước”của ông đã ngấm vào các thế hệ học sinh Việt Nam. Ông có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của bài thơ?

 

- Năm 1971 tại chiến trường Trị Thiên, cuộc chiến tranh chống Mỹ đang đến hồi quyết liệt nhất. Phong trào đô thị miền Nam lên đến đỉnh điểm. Các cuộc tuần hành phản đối chiến tranh của các tầng lớp nhân dân ta nổ ra khắp nơi. Nhiều cuộc tuần hành của sinh viên với khẩu hiệu “Máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu”-một câu thơ của Tố Hữu, kèm theo các hình ảnh tang thương do Mỹ-ngụy gây ra được căng lên khắp các cuộc biểu tình. Trong không khí sục sôi đó, tôi được mời tham gia trại sáng tác do đồng chí Trần Hoàn phụ trách. Anh Trần Hoàn bảo anh em dự trại viết nên có các tác phẩm công phu hơn, dài hơi hơn. Tôi đã viết Trường ca Mặt đường khát vọng trong giai đoạn lịch sử đó. Và Đất nước nằm trong chương năm của Mặt đường khát vọng. Đây là chương mà tôi tâm đắc nhất. Bài thơ này tôi sử dụng các yếu tố văn hóa dân tộc, tập quán, huyền thoại, huyền sử, ca dao, tục ngữ tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng. Đất nước với tôi rất bình dị, gần gũi mà vô cùng thiêng liêng và lấp lánh sắc màu ca dao, cổ tích. Đất nước được chia thành năm khổ. Trong không khí sục sôi của những ngày chống Mỹ, “Đất nước” của tôi ra đời mong muốn góp phần cổ vũ khí thế kháng chiến của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam nói riêng, thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung hòa nhịp vào cuộc chiến đấu hào hùng của toàn dân tộc.

 

- Là người từng trải, ông có nhận xét, đánh giá thế nào về thế hệ các nhà thơ, nhà văn quân đội?

 

- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đội ngũ các nhà thơ, nhà văn quân đội đã hình thành một lực lượng đông đảo. Nhiều nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong môi trường quân đội như: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Chu Lai, Trần Đăng Khoa… Họ có nhiều tác phẩm tiêu biểu, đóng góp rất lớn cho nền văn học nước nhà. Các nhà thơ, nhà văn quân đội hiện nay vẫn là những cây viết được công chúng đánh giá cao.

 

- Là nhà thơ lão thành, xin ông nhận xét khái quát, góp đôi lời với các nhà thơ, nhà văn trẻ hiện nay?

 

- Nói thật, tôi không có nhiều thời gian để đọc hết các tác phẩm của các cây viết trẻ hiện nay. Khi còn đương chức tôi bận nhiều công việc. Nghỉ hưu mới có thời gian để đọc và viết. Tôi rất ấn tượng với hai cây viết trẻ là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và nhà thơ Phan Huyền Thư. Họ đã đem lại cho văn chương một giọng điệu, một ngôn ngữ mới. Họ nhìn cuộc sống tinh tế và sâu sắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều tác giả trẻ trong sáng tác còn quá đi sâu vào thế giới riêng tư, ít đề cập đến các vấn đề nóng của xã hội.

 

- Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông có tâm sự, gửi gắm những gì tới các nhà thơ, nhà văn trẻ cũng như bạn đọc?

 

- Đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Tôi mong muốn các bạn trẻ hãy đọc, nghiên cứu nhiều hơn các tác phẩm văn học chiến tranh để hiểu và tự hào về lịch sử dân tộc mình. Và mong muốn các nhà thơ, nhà văn tiếp tục có nhiều tác phẩm viết về đề tài lực lượng vũ trang và hãy đưa văn học chiến tranh lên một tầm cao mới.

 

- Vâng. Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và chúc ông khỏe mạnh, tiếp tục có những đóng góp cho văn đàn Việt Nam.


Đất nước


... Đã có một thời

Ai muốn vào châu Mỹ La-tinh

Đến trước vịnh Ca-ra-ip

Sẽ không cần dùng địa bàn

Cứ nhìn những xác da đen

Trôi bập bềnh trên biển

Những xác da đen chỉ hướng

Đưa anh vào "mảnh vườn sau" của chủ nghĩa thực dân

Đã có một thời

Ai muốn đến Việt Nam

Cứ theo gót những đàn ngựa phương Bắc

Hay chữ thập trên tàu buôn nước Pháp

Các bạn sẽ tìm ra Việt Nam

Bởi vì ngày ấy

Nước chúng tôi chưa có trên bản đồ thế giới

Ngôn ngữ loài người chưa biết hai chữ "Việt Nam"

Và dẫu bạn đến đây

Chỉ có những tên đô hộ phủ toàn quyền

Đứng ra tiếp bạn

Nhưng hôm nay

Bạn hãy đi theo những đoàn đi bộ tuần hành

Mang những lá cờ sao vàng

Ở Pa-ri, ở Mát-xcơ-va hay Xtốc-khôm

Bạn sẽ đến được Việt Nam tôi đó

 

Bởi vì Việt Nam hôm nay

Nằm giữa lòng thế giới

Nằm trong tim nhân loại

Nằm trên con đường dẫn ta tới giá trị con người...

Bởi vì Việt Nam hôm nay

Là Việt Nam chống Mỹ

Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ

Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa Tự do...

 

Bạn đến đây

Đã có Bác Hồ

Và nhân dân tôi sẵn sàng đón bạn

Dẫu Người đi vắng

Bạn có thể đến nhà Người thăm một khóm hoa

Rồi cùng Nhân dân tôi trò chuyện

Nhân dân tôi đầy tình yêu mến

Đã được Người dặn dò trước phút đi xa...

 

Bạn hỏi vì sao chúng tôi yêu quý Bác Hồ

Bởi vì Người là người đầu tiên

Về với Đất Nước chúng tôi

Mang Chủ nghĩa Mác - Lê-nin

Chứa trong trái tim yêu nước nhất

Khi Người đặt tay lên

Hòn đất Việt Nam đầu biên giới

Thì từ đó

Đất không phải là đất nữa

Đất là chiến hào

Đất là cạm bẫy

Đất là hoa trái

Nuôi chúng tôi, che chúng tôi cầm súng lên đường!

 

 

Có Người, chúng tôi có lại Hùng Vương

Có lại dáng búp sen nghìn năm của chùa Một Cột

Và những búp sen miền Nam tận bùn lầy Đồng Tháp

Có Người, cũng đã thành thơ

Có Người, mỗi mũi tên đồng Cổ Loa

Không chịu vùi dưới đất

Không nằm yên trong viện bảo tàng

Chúng bay lên xé gió thời gian

Mở hết đường bay qua thăng trầm lịch sử

Để cắm vào đầu giặc Mỹ!

Có Người, pho Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt

Biết tỏa hào quang từ hàng chục cánh tay

Có Người, pho Bồ Tát triều Lý chỉ còn đầu

Vẫn nguyên vẹn trong lòng chúng tôi nhờ búi tóc thời vua Hùng để lại

Và pho Kim Cương trên đôi chân vững chãi

Dẫu mất đầu vẫn giữ một dáng đứng Việt Nam

Đấy, Đất Nước chúng tôi đổ vỡ biết bao lần

(cả những pho từ bi cũng không ngoài hoạn nạn

Nhưng có Người, những cái mất đi phải trả về hình dáng)

Quá khứ được nhìn từ đôi mắt hôm nay

Và hôm nay từ đôi mắt ngày mai

Chúng tôi sống bằng tương lai một nửa

Bằng tình yêu vô hạn những con người

Như hôm nay nhìn Đất Nước cắt đôi

Chúng tôi đã thấy ngày hàn gắn...

 

Bởi vì Người là người đầu tiên

Yêu miền Nam trong trái tim mình

Yêu tuổi trẻ miền Nam 25 năm

Chưa có được ngày hạnh phúc

 

Mà Người dạy chúng tôi

Hãy bền gan đánh giặc

Dẫu phải chết cũng không khuất phục:

"Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!"

 

Chúng tôi là con cháu Bác Hồ

Có nghĩa là chúng tôi giống Bác

Những gì còn non nớt

Chúng tôi học tập để sống, chiến đấu như Người

 

Bởi vì Người là đất nước của chúng tôi

Mỗi sợi tóc trắng của Người đều ghi ngày gian khổ nhất

Của Đất Nước, những năm dài đánh giặc

Đôi dép của Người mòn vẹt gót

Người đã đi những ngả đường Đất Nước hành quân

 

Trái cà Người ăn

Cũng là trái cà nuôi người anh hùng đầu tiên-Thánh Gióng

Cây gậy Người cầm

Cũng có thể tìm trong trăm ngàn gậy vượt Trường Sơn

Ý chí của Người

Ý chí toàn dân tộc

Lý tưởng của Người

Sự sống chúng tôi mang...

Hồ Chí Minh - Việt Nam

Bạn và tôi cùng gọi

Hồ Chí Minh - Việt Nam

 

* * *

 

Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay Người

Trái không chỉ rơi vì sức hút đất đai

Trái rơi vì tay Người ao ước

Khi trái chạm vào tay Người và Người ấp ủ

Thì lừng hương tay Người và Người ấp ủ

Thì lừng hương và cô Tấm bước ra

Đi trả thù và sống Tự do...

Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta

Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp

Rơi vào tay Người, đó là định luật

Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam

 

Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm

Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng

Hãy ngã xuống tay Nhân dân, hỡi sắc vàng của nắng

Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi.

 

Hãy ngã vào tay Nhân dân, đừng vãi đừng rơi

Đừng tự do, đừng hoài nghi nữa

Hãy yêu Nhân dân và nghe Người nhắn nhủ

Hãy tìm sức mạnh mình trên cơ thể Nhân dân

Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng

Thế vô tận của nghìn năm giết giặc

Lửa đã cháy hồng hào mặt đất

Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù!

 

- Không bao giờ xương máu phải bơ vơ

Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất

Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt

Nguyện làm người xung kích của quê hương

Đây tiếng hát chúng con:

Tiếng hát xuống đường!

 

(Trích trường ca “Mặt đường khát vọng”, NXB Văn nghệ giải phóng, 1974).     



 

QĐND