Lễ hội Mừng lúa mới được người Cơ Tu, ở huyện Nam Đông, duy trì từ xưa đến nay. Bắt đầu Lễ hội mừng lúa mới phần biểu diễn các cô gái đi tuốt lúa từ sớm tinh mơ, khi ông mặt trời còn chưa kịp thức giấc. Bằng đôi bàn tay khéo léo, dịu dàng, cùng với sự tỉ mỉ của mình, các cô gái đã thu hoạch những hát lúa màu mỡ, vàng ươm chín đượm. Người uy tín trong làng được mời làm khách, tham dự lễ hội của làng mình. Trong mâm cúng lúa mới của người Cơ Tu thường có các lễ vật: cơm xôi, cơm lam nướng ống tre, cá xanh khô, cá suối tươi nướng ống, gà nhà, lợn, rượu cần, rượu trắng, ngoài ra còn có tấm zèng, sợi mã não, cườm trắng và các loại trang sức truyền thống khác. Trước khi diễn ra lễ cúng, tất cả mọi người, từ người già đến trẻ con đều phải mặc trang phục truyền thống Cơ Tu. Bên cạnh đó, cồng, chiêng là di sản văn hóa quý báu, được coi là vật thiêng nhất, có thể giúp con người thông tin trực tiếp với thần linh, với các Giàng, kèm theo đó, là tiếng hú của con người, mang hơi âm của núi rừng. Lễ hội Mừng lúa mới là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống của người dân đồng bào Cơ Tu, huyện Nam Đông, thể hiện sự tôn kính đối với các thần linh đã che chở, mang lại cuộc sống ổn định, bản làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Mâm cơm cúng truyền thống tại Lễ hội
Trong cộng đồng dân tộc Cơ tu có nhiều nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, Lễ hội mừng lúa mới là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống của người dân đồng bào Cơ tu huyện Nam Đông. Nền văn hoá Cơ Tu hình thành và lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc, in đậm dấu ấn đời sống, tín ngưỡng của người Cơ Tu. Với điều kiện canh tác khó khăn, từ xa xưa, người Cơ Tu luôn mong ước về sự no đủ, cây lúa gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Được biết, Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, huyện Nam Đông đang hoàn thiện hồ sơ, để được công nhận văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lãnh đạo huyện chụp ảnh lưu niệm tại Lễ hội
Tiến Dũng