12
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 22/04/2025 21:40
Khảo sát việc xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tại thành phố Huế
Ngày 22/4, Đoàn khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với UBND thành phố Huế về việc khảo sát tại địa phương để xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Tiếp và làm việc với đoàn có UVTV Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình; cùng đại diện các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc

Trong những năm qua, công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của các doanh nghiệp và nhất là sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố  đến cơ sở được quan tâm đầu tư, cơ bản hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Thành phố Huế đã xây dựng đề xuất nhiệm vụ và kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030 với các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong phạm vi của Chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế, văn hóa, xã hội, đặc điểm của địa phương.

Thành phố đã ban hành đề án về hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo quản các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Trong giai đoạn 2021 - 2025, có 39 di tích thuộc đề án đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí là 124,547 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và huy động xã hội hóa hợp pháp. Triển khai đề án “Phát huy giá trị di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”.

Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch, Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Hồng Liên trao đổi tại buổi làm việc

Hiện nay, địa phương đang tích cực xây dựng đề cương và kế hoạch nghiên cứu lập bộ hồ sơ “Nghệ thuật Ca Huế” đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, cũng đã xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về văn hóa ẩm thực Huế nhằm tập hợp, lưu trữ một cách có hệ thống, phục vụ chức năng tra cứu và trong tương lai có thể mở rộng, nâng cấp thành diễn đàn để trao đổi, thảo luận, nghiên cứu, cập nhật về văn hóa ẩm thực Huế.

Đáng chú ý, thời gian qua TP. Huế đã triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa tạo điểm nhấn cho không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm TP. Huế với các hoạt động văn hóa văn nghệ, triển lãm trưng bày trên trục phố đi bộ, công viên, các trung tâm văn hóa tại bờ Nam sông Hương. Cùng với đó, chú trọng chuyển đổi số và ứng dụng khoa học và công nghệ trong văn hóa. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động triển lãm trên các nền tảng số như mạng xã hội Facebook, Zalo… nhằm đa dạng hình thức tiếp cận của công chúng. Tổ chức các hoạt động triển lãm bằng hình thức online, trưng bày hình ảnh, hiện vật bằng công nghệ 3D đăng tải trên môi trường mạng… Triển khai sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán - Nôm trên địa bàn TP. Huế.

Hiện nay thành phố đang tập trung triển khai số hóa các tài liệu về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế; thực hiện việc lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị bằng hình ảnh 3D; xây dựng đề án chuyển đổi số các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu; xây dựng App Ca Huế trên hệ điều hành IOS, android bằng công nghệ flutter nhằm mục đích tăng cường các biện pháp quản lý và quảng bá, giới thiệu loại hình nghệ thuật Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phục vụ phát triển du lịch…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình tặng quà lưu niệm cho Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch, Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Hồng Liên

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình đã khái quát công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô Huế trong thời gian qua. Công tác chuẩn bị và gắn kết chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa. Định hình các giá trị và nằm trong quy hoạch của thành phố, tập trung nguồn lực để ngành văn hóa phát triển và khai thác tốt các giá trị văn hoá và lịch sử của địa phương, góp phần phát huy các giá trị di sản cố đô Huế; tạo nên nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình đề xuất hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển văn hoá, di sản nhưng còn khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương. Việc này để các địa phương có điều kiện sử dụng nguồn vốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc, di sản, di tích, các thiết chế văn hoá đặc trưng của địa phương, đồng thời cũng làm tiền đề thúc đẩy thu hút các nguồn lực đầu tư khác, tài trợ, hiến tặng từ các cá nhân, tổ chức xã hội phục vụ cho việc phát triển văn hóa. Ngoài ra, đề nghị đơn vị soạn thảo xây dựng các văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện Chương trình theo hướng nâng cao tính chủ động cho các địa phương; đặc biệt đối với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực đặc thù về văn hoá, di sản, di tích, nghệ thuật…

Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch, Tài chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đã được Quốc hội thông qua và được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 162/2024/QH15. Nghị quyết này đã đánh dấu mốc quan trọng để phát triển văn hóa trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Quốc hội đối với lĩnh vực văn hóa.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là chương trình đầu tư công, do đó báo cáo nghiên cứu khả thi cần bám sát các quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại các địa phương. Việc xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi là công việc cần phải hoàn thiện gấp rút; bám sát quy định liên quan đến đầu tư công để thiết kế báo cáo. Trong đó, báo cáo phải có cái nhìn tổng quát về phát triển văn hóa trong thời gian qua, những việc đã đạt được, những khó khăn, mục tiêu hướng đến… Để làm được điều này, cần có bộ tiêu chí để đánh giá, quy định các nguyên tắc, định mức để phân bổ nguồn lực.

Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch, Tài chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Hồng Liên cũng mong rằng, địa phương cần tích cực để triển khai, phối hợp trong tháo gỡ điểm nghẽn, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của chương trình. Cùng với đó, bám sát và lên danh mục đầu tư, trong đó xác định trọng tâm, trọng điểm, có sự ưu tiên cho các nội dung cấp bách và đề ra lộ trình thực hiện cụ thể với từng nội dung.

Văn Bốn