61
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 21/03/2024 14:27
Kết quả 5 năm thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi
Ngày 20/3, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2023.

Qua 5 năm thực hiện, công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác văn hóa, cán bộ ở các cấp chính quyền nói chung và cộng đồng xã hội về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi.

Hiện nay, di sản nghệ thuật Bài Chòi được thực hành tại các xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy); thị trấn Phú Lộc, xã Vinh Hưng, xã Vinh Mỹ, xã Vinh Giang (huyện Phú Lộc); thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); xã Hương Lộc (huyện Nam Đông)... Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Bài Chòi có cả một tiến trình chuyển hóa đặc sắc để phù hợp với từng địa phương. Hoạt động di sản nghệ thuật Bài chòi đã được đưa vào các chương trình: Lễ hội “Chợ quê Ngày hội”, Festival nghề truyền thống Huế, các chương trình chợ đêm cuối tuần, các ngày lễ lớn trong năm và các dịp mừng Đảng mừng Xuân chào đón năm mới…  

Công tác biên soạn, xuất bản ấn phẩm giới thiệu, nghiên cứu về di sản nghệ thuật Bài Chòi với hơn 300 câu hò, đoạn trích về các quân Bài Tới, nhằm giới thiệu đến bạn đọc những câu hò thường được các nghệ nhân sử dụng trong ngày Hội Bài Chòi ở Huế. Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi nhận được sự đồng tình ủng hộ của lực lượng nghệ nhân, cộng đồng nhân dân, sự hưởng ứng tích cực của các trường học trên địa bàn, đồng thời quần chúng nhân dân cũng tham gia hưởng ứng nhiệt tình góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi. Nhiều câu lạc bộ Bài Chòi trên địa bàn tỉnh được duy trì với nhiều hình thức và nội dung sinh hoạt phong phú

Để trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ, giúp thế hệ trẻ nhận diện di sản nghệ thuật Bài Chòi, từ năm 2019 đến năm 2023, đã mở 07 lớp tập huấn hát Bài Chòi trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 02 lớp tập huấn cho 48 học viên là những người yêu thích, đam mê Bài Chòi trên địa bàn huyện Quảng Điền và Nam Đông, 05 lớp tập huấn đưa di sản Bài Chòi vào trường học cho 75 giáo viên bộ môn Âm nhạc, tổng phụ trách các trường và 225 em học sinh trên địa bàn các huyện, thị xã, Hương Thủy, Quảng Điền, Nam Đông.

Chương trình đưa di sản Bài Chòi vào trường học giúp các em học sinh nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng lời hò. Thông qua hoạt động này, các em được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về nghệ thuật Bài Chòi, xem các nghệ nhân biểu diễn Bài Chòi, đặc biệt được tham gia trực tiếp vào các hội chơi Bài Chòi, được các nghệ nhân hướng dẫn hò các làn điệu Bài Chòi với tinh thần vui tươi, sôi nổi, vừa chơi vừa học nhằm tạo sức lôi cuốn, thêm yêu, thấu hiểu với nghệ thuật Bài Chòi.

Qua đó, giúp các em biết trân trọng, yêu quý di sản nghệ thuật Bài Chòi, có niềm đam mê với Bài Chòi nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho các em khả năng thực hành biểu diễn, cảm thụ những làn điệu Bài Chòi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi; bồi đắp các giá trị thẩm mỹ và trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sự tiếp nối cho các thế hệ trong việc bảo vệ và phát huy di sản đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thu Hà