71
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 23/04/2024 11:42
Hương Trà: Chia sẻ giá trị của sách đến đoàn viên, người lao động
Ngày 22/4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Hương Trà phối hợp với Trung tâm Văn hoá thông tin và Thể thao thị xã tổ chức chương trình Ngày hội “Sách và văn hoá đọc” năm 2024. Tham dự chương trình có đồng chí Đỗ Ngọc An – Phó Chủ tịch UBND thị xã; đại diện LĐLĐ tỉnh, Thư viện tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thị ủy, Phòng Văn hoá Thông tin thị xã; đại diện các CĐCS có tủ sách Công đoàn và đông đảo đoàn viên, người lao động yêu thích đọc sách đến từ các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc.

Sách là kho kiến thức vô tận, đọc sách không chỉ để giải trí, mà sách còn làm nhiệm vụ kết nối tri thức giữa các thế hệ, làm cho đời sống con người trở nên văn minh, hiện đại hơn. Vai trò của sách, của tri thức rất lớn, tuy nhiên, khi cuộc cách mạng 4.0 lên ngôi, không ít người đã lãng quên việc đọc sách.

Ngày hội “Sách và văn hoá đọc” tại thị xã Hương Trà được diễn ra nhằm lan toả hơn nữa văn hóa đọc trong đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao. Điểm nhấn của ngày hội là tọa đàm về phát triển văn hoá đọc trong đoàn viên, người lao động; trao bảng tượng trưng tặng sách và luân chuyển sách cho các tủ sách tại CĐCS trực thuộc. Trong khuôn khổ ngày hội, còn có các hoạt động như hoạt động cấp thẻ thư viện, hoạt động tham quan, đọc sách, mượn sách, giao lưu giữa những người yêu sách, tham gia trò chơi được tặng sách...

Bà Hồ Thị Linh, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Hương Trà cho biết, thông qua ngày hội, chúng tôi mong muốn những người yêu sách chia sẻ giá trị của sách, về những cuốn sách hay, ý nghĩa để cùng nhau lan tỏa tạo thành cộng đồng yêu đọc sách, mang lại nhiều điều bổ ích cho cuộc sống. Đây là lần thứ 3 LĐLĐ thị xã và Trung tâm Văn hoá thông tin và Thể thao thị xã tổ chức ngày sách và văn hoá đọc. 

Thông qua Ngày hội “Sách và văn hóa đọc” lần này không chỉ giúp đoàn viên, cán bộ, CNVCLĐ trên địa bàn thị xã hiểu được giá trị của việc đọc sách, hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày, phát triển kỹ năng đọc và thực hiện văn hóa đọc, mà còn khơi dậy tinh thần ham học hỏi, ham đọc sách, vận dụng vào việc học tập, nâng cao kiến thức, giáo dục và rèn luyện nhân cách, làm lan tỏa nét đẹp văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội.  

Hoàng Dũng