519
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 22/05/2015 14:42
Huế: Lễ khởi công hạng mục công trình Eo bầu Nam Xương Đài
Sáng ngày 22-5, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ miền Trung (Bộ Xây dựng) tổ chức lễ khởi công hạng mục công trình Eo bầu Nam Xương Đài, thuộc Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế - Hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích.
Lễ khởi công xây dựng công trình Eo bầu Nam Xương Đài.

Công trình Eo bầu Nam Xương Đài có tổng kinh phí đầu tư hơn 9 tỷ đồng, được tu bổ và tôn tạo trong vòng 2 năm, vị trí từ cửa Ngăn đến cửa Thượng Tứ. Nam Xương Đài có tổng chiều dài phần Thượng thành là 269m và chiều rộng trung bình 21m. Trước đó, tháng 9-2011, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quyết định số 1918/QĐ-UBND phê duyệt “Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 đến năm 2015. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn trong việc di dời các hộ gia đình sinh sống tại khu vực này.

 

Tường thành khu vực Eo bầu Nam Xương Đài bị ảnh hưởng do cây cỏ, rêu phong mọc, bám nhiều


Trải qua hơn hai thế kỷ với nhiều biến cố của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt và nhiều yếu tố khác nên công trình Eo bầu Nam Xương Đài bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục công trình bị các hộ dân lấn chiếm, xây dựng trái phép khiến các kết cấu khối xây bị nứt vỡ, đe dọa đến sự an toàn của công trình và làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh di tích.

Thạc sĩ Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Eo bầu Nam Xương Đài là công trình được xem như “bộ mặt” của toàn bộ hệ thống kinh thành, nơi có Kỳ đài và dòng sông Hương bao quanh, có quảng trường và công trình Ngọ Môn vốn từ lâu đã là một trong những biểu trưng hết sức ý nghĩa của thành phố Huế. Việc tu bổ và tôn tạo công trình này hết sức cấp bách và quan trọng, để trả lại những giá trị văn hóa lịch sử và mỹ quan vốn có mà UNESCO đã công nhận là Di sản văn hóa thế giới”.

 

QĐND