Hội thảo có 33 tham luận của các văn nghệ sĩ tập trung vào các nội dung về chặng đường phát triển của văn học, nghệ thuật thành phố Huế qua 50 năm, thể hiện ở các chuyên ngành văn học, văn nghệ dân gian, sân khấu - múa - âm nhạc, mỹ thuật - nhiếp ảnh… Các tham luận đã đề cập đến tất cả các khía cạnh tạo nên nền văn học, nghệ thuật Huế nửa thế kỷ qua và định hướng cho sự phát triển trong tương lai. Nhìn chung, các tham luận đều đã khẳng định lịch sử hình thành và phát triển của văn học, nghệ thuật Huế từ 1975 đến nay, với sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ văn nghệ sĩ và những đóng góp đáng kể cho nền văn học, nghệ thuật Huế và văn hóa Huế. Họ là những người gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật của cha ông, vun đắp những giá trị văn học, nghệ thuật mới, quảng bá những giá trị văn hóa Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng tình cảm, dấu ấn văn hóa Huế trong lòng du khách.
Trên lĩnh vực sáng tạo, văn nghệ sĩ Huế vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa tiếp thu các khuynh hướng hiện đại từ thế giới. Sự tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng được mở rộng, cho phép văn nghệ sĩ Huế thử nghiệm nhiều đề tài và hình thức mới mẻ. Có thể nói, văn học nghệ thuật Huế đã và đang có sự đổi mới mạnh mẽ, vừa kế thừa truyền thống, vừa hội nhập với dòng chảy nghệ thuật thế giới.
Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Hồ Đăng Thanh Ngọc phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu đã được nghe các tham luận đến từ các văn nghệ sĩ thuộc các hội chuyên ngành viên của Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật thành phố Huế, như tham luận của nhà lý luận phê bình Phạm Phú Phong, TS. Phan Tuấn Anh - Hội Nhà văn; tham luận của nhạc sĩ Lê Phùng, TS. Nguyễn Việt Đức - Hội Âm nhạc; tham luận của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Tý - Hội Nhiếp ảnh; tham luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế - Hội Văn nghệ dân gian; tham luận của TS. Nguyễn Thiện Đức - Hội Mỹ thuật...
Tại Hội thảo, bên cạnh việc đánh giá các thành tựu, cũng thẳng thắn nhìn nhận, so với thời kỳ kháng chiến kiến quốc, hoạt động văn học nghệ thuật trong giai đoạn đổi mới đất nước đang có phần chững lại, thiếu vắng những tác phẩm có sức khái quát nghệ thuật cao, có năng lực hiệu triệu, lay động, cổ vũ, khích lệ toàn dân, chung sức, đồng lòng. Đó cũng là những trăn trở, suy nghĩ của các văn nghệ sĩ hiện nay. Vì vậy, để có thêm những thành tựu mới, các văn nghệ sĩ cần tiếp tục nỗ lực sáng tạo, đổi mới, tiếp tục có những công trình, tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của bạn đọc trong xu thế hội nhập.
Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, với quyết tâm, niềm tin về một đất nước hùng cường, thành phố Huế không nằm ngoài khí thế mới, khát vọng mới ấy, vì thế, văn nghệ sĩ Huế cần nỗ lực sáng tạo hơn nữa, làm cho văn học nghệ thuật đồng hành cùng khát vọng phát triển của Huế và đất nước.
Thu Hà