Vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, trải dài 68 km thuộc địa bàn 03 huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền và thị xã Hương Trà với diện tích mặt nước khoảng 22 nghìn ha. Tam Giang - Cầu Hai là hệ sinh thái đầm phá ven biển lớn nhất Đông Nam Á với nhiều hệ sinh thái như: biển, rừng ngập mặn và bãi triều; có trên 921 loài động thực vật, trong đó có 187 loài cá, chiếm nhiều nhất là bộ cá Vược (106 loài) và các loài cá có giá trị kinh tế như cá nâu, dìa, kình, ong; tôm rảo, cua...vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn là nơi dừng chân của các loài chim di cư trú đông từ phương Bắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, sau gần 8 năm thực hiện Quyết định 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”, kết quả bước đầu đã tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người dân ven đầm phá, mở ra hướng làm ăn đầy triển vọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh theo hướng tích cực. Tuy nhiên, trên bình diện chung thì kết quả và hiệu quả kinh tế mang lại chưa được như mong muốn; tình hình nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái trên vùng đầm phá vẫn chưa được cải thiện, công tác xúc tiến đầu tư tại vùng còn hạn chế; các mô hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên vùng đầm phá chưa được phát triển một cách rõ nét. Hy vọng, qua hội thảo lần này sẽ giúp tỉnh đánh giá một cách khoa học và toàn diện về tiềm năng, thế mạnh của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đề xuất định hướng và giải pháp phát triển bền vững, qua đó làm cơ sở để tỉnh giới thiệu, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư các dự án phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch vào vùng đầm phá trong thời gian tới.
Tại hội thảo, sau khi nghe 04 tham luận: Tổng quan vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, định hướng phát triển và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư; Thực trạng và tiềm năng nuôi trồng thủy sản trong vùng đầm phá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các kết quả nghiên cứu và đã triển khai tại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của Trường Đại học Nông Lâm Huế và Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng của Khoa Du lịch - Đại học Huế, các đại biểu đã tập trung thảo luận nêu nên những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững, đặc biệt là có nhiều ý kiến của các nhà đầu tư và doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được đầu tư để khai thác tiềm năng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong thời gian tới.
Phạm Hà