Hội thảo khoa học nhằm phân tích để hiểu rõ hơn về thực trạng phát triển, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển du lịch Thành phố Huế trong thời gian tới. Theo Ban Tổ chức, có 21 tham luận gửi đến hội thảo tập trung vào các nội dung: Tiềm năng để phát triển du lịch; Du lịch Huế trong chiến lược phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Huế cho rằng, văn hóa Huế là một bộ phận cấu thành quan trọng trong tổng thể văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời là nền tảng căn bản thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Chính những hoạt động văn hóa đặc thù không chỉ góp phần định hình bản sắc du lịch Huế, mà còn tạo động lực lan tỏa cho sự phát triển các ngành kinh tế liên quan, mở rộng quan hệ đối ngoại và thu hút hợp tác đầu tư trong nước, quốc tế.
Ngày nay, Huế đang trong quá trình phấn đấu trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch lớn của Việt Nam và khu vực. Văn hóa Huế thể hiện chiều sâu đặc trưng của vùng đất, được khắc họa qua nhiều hệ giá trị văn hóa độc đáo như: ẩm thực, y phục, kiến trúc nhà vườn, giáo dục, chữ viết, âm nhạc, sân khấu, ngôn ngữ và thơ ca... Những giá trị này hiện đã trở thành tiềm năng to lớn để xây dựng Huế trở thành một trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Đại biểu tham gia thảo luận
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, các đại biểu đã tập trung phân tích tiềm năng to lớn của Huế dựa trên các giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bề dày truyền thống. Các tham luận trình bày tại hội thảo đã đi sâu vào nhiều khía cạnh khác nhau của ngành du lịch, từ việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa như Kinh thành Huế, các di tích thời Tây Sơn, kiến trúc bản địa, đến việc phát triển các loại hình du lịch đặc thù như du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, trang phục truyền thống và đặc biệt là du lịch ẩm thực Huế…
Hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà du lịch Huế đang phải đối mặt, đồng thời đề xuất các giải pháp và định hướng phát triển mang tính chiến lược. Các ý kiến tại hội thảo đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm, gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đa dạng hóa thị trường khách du lịch, tăng cường công tác quảng bá và xúc tiến du lịch, cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển du lịch.
Đại biểu tham gia thảo luận
Một số định hướng phát triển du lịch quan trọng được thảo luận tại hội thảo bao gồm:
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch: Tập trung vào việc khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử một cách sâu sắc, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Đa dạng hóa thị trường khách du lịch: Bên cạnh việc duy trì thị trường khách truyền thống, cần mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác, đồng thời chú trọng đến phân khúc khách có mức chi tiêu cao.
Phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái: Khai thác tiềm năng của các vùng ven đô, vùng nông thôn, gắn du lịch với đời sống văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường.
Tăng cường liên kết và hợp tác: Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương và các tổ chức nghiên cứu để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển du lịch.
Chú trọng công tác quảng bá và xúc tiến du lịch: Xây dựng hình ảnh du lịch Huế đặc sắc, tăng cường hoạt động quảng bá trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch: Nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú, dịch vụ, giao thông, đảm bảo chất lượng phục vụ du khách.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch: Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành du lịch.
Hội thảo cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch, cũng như sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Huế.
Thanhuyhue.vn