Tham dự Diễn đàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung; GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Thế giới; PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các nhà khoa học và các đại biểu là đại diện các cơ quan có liên quan, nguyên lãnh đạo tỉnh và các nhà nghiên cứu.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự đã cho rằng, qua 9 kỳ Festival Huế (2000 - 2016) và 6 kỳ Festival nghề truyền thống Huế (2005 - 2015), Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa hội nhập và du lịch văn hóa hàng đầu của đất nước, Festival Huế là thương hiệu danh giá có sức thu hút và lan tỏa đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có được thành quả này là nhờ Huế mang trong mình nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc và nhân loại, là do nhận thức và đầu tư đúng đắn và đúng tầm ngay từ đầu của lãnh đạo địa phương, được sự hỗ trợ tích cực và có hiệu quả của Chính phủ và nhiều Bộ, ngành Trung ương cùng nhiều tổ chức quốc tế, là sự cống hiến, sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học trong tỉnh, trong nước và quốc tế, sự đồng hành của nhiều đơn vị, địa phương, các nhà tài trợ cùng sự tham gia tích cực của nhân dân và sự hưởng ứng của du khách trong nước và quốc tế.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, hiện nay Festival Huế cũng đang gặp một số thách thức nhất định mà quan trọng là phải làm sao khi tổ chức Festival Huế phải đáp ứng thị hiếu của người xem, thu hút khách du lịch càng nhiều đến với Huế nhưng cũng phải giữ vững thương hiệu của chính mình, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của Việt Nam của Cố đô Huế một cách hiệu quả nhất.
Tại Diễn đàn, những vấn đề được đông đảo các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tập trung thảo luận, đối thoại đó là về chủ đề của Festival Huế; tên gọi Fetival Huế có cần thay đổi hay không? Thời lượng và thời điểm của mỗi kỳ Festival; Chu kỳ tổ chức nên kéo dài ra cho thuận tiện đối với Ban Tổ chức hay giữ như thời gian qua là 2 năm 1 lần; cách thức và việc sử dụng kinh phí tổ chức; việc tuyên truyền, quảng bá cho Festival Huế...
Phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đã hoan nghênh và biểu dương Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và các cơ quan liên quan của tỉnh đã nỗ lực, cố gắng để tổ chức Diễn đàn này. Qua Diễn đàn, sẽ giúp cho chính quyền, các ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế mà trực tiếp là Trung tâm Festival Huế nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan về Festival Huế, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các quyết sách, chiến lược liên quan đến việc tổ chức Festival Huế, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tài nguyên văn hóa phong phú và độc đáo của cố đô Huế, giúp Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cũng bày tỏ sự biết ơn các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, nhà quản lý và các nhà nghiên cứu đã tham dự Diễn đàn và chia sẻ mối quan tâm đối với công tác tổ chức Festival Huế; đồng thời đã tiếp thu và ghi nhận các ý kiến đã đóng góp tại Diễn đàn liên quan đến việc tổ chức Festival Huế. Đồng thời đã chỉ đạo Trung tâm Festival Huế tiếp thu nghiêm túc các ý kiến tại Diễn đàn nhằm đề xuất các giải pháp, ý tưởng, kế hoạch để tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các Festival Huế sau này ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Thúc Nhân