27
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 28/01/2025 23:37
Giữ phong vị Tết qua thư pháp
Năm mới, nhiều người Việt vẫn lưu giữ cho mình “phong vị” Tết xưa qua những bức thư pháp chúc xuân ý nghĩa, những câu đối đỏ uyển chuyển, mềm mại, rực rỡ sắc màu… Thư pháp tết có nhiều điểm đặc biệt và bên cạnh mục đích trang trí trong nhà thì với người chơi, đó còn là cách để tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống của Tết xưa.
Không gian thư pháp thu hút đông đảo người dân và du khách

Ngày nay, thư pháp vẫn luôn được người Việt xem như một phần trang trọng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Hình ảnh mực tàu giấy đỏ vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về đã trở thành nét đẹp văn hóa trang nhã, thanh cao trong lòng mỗi người dân Việt. Gắn bó với thư pháp hơn 20 năm, Nghệ sỹ Lê Hà say mê cái hay, cái đẹp trong từng câu chữ của Thư Pháp. Tỉ mỉ cầm bút lông chấm mực, nhẹ nhàng đặt từng nét chữ lên giấy dó mang lại cho anh Hà một cảm giác thư thái, tĩnh lặng, quên đi những muộn phiền lo toan. Không chỉ vậy, thư pháp còn giúp anh kết nối với cội nguồn, tìm về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt trong những ngày tết đến, xuân về. “Thư pháp đã hiện hữu rất lâu trong những ký ức tuổi thơ của tôi. Hình ảnh ông đồ tặng chữ đã trở nên quen thuộc mỗi khi mẹ dắt đi “xin chữ” vào mỗi dịp đầu năm mới. Nó đã tạo động lực cho tôi học và viết thành thạo thư pháp. Năm nay, tôi đến chợ Hoa Xuân cho chữ những ai cần. Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa. Hầu hết mọi người đều thích những lời chúc như: Chúc mừng năm mới, mã đáo thành công, phúc lộc song hoàn, an khang thịnh vượng…” Nghệ sỹ Lê Hà, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Huế chia sẻ thêm.

Những bức tranh chữ thư pháp rất có giá trị và đáng được trân trọng, khi đặt vào bối cảnh mùa xuân, giá trị của thư pháp lại càng được tăng lên. Ngày Tết là ngày mọi người được nghỉ ngơi sau một năm làm việc, ngày đoàn tụ gia đình, ông bà, cha mẹ, con cháu cùng sum vầy, có được bức tranh thư pháp treo trong nhà tạo nên không khí ấm cúng và nội dung của những con chữ thư pháp là lời răn dạy của các bậc hiền nhân về đạo lý làm người, qua hồn chữ Việt, lời dạy ấy sẽ thấm sâu hơn vào tâm thức.

Nghệ sỹ Lê Hà với niềm đam mê con chữ ngày đầu xuân

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phường An Đông, Quận Thuận Hóa chia sẻ: “Nhà tôi treo khá nhiều tranh, liễn được viết bằng chữ thư pháp. Lúc đầu là hiếu kỳ nhưng càng tìm hiểu tôi càng đam mê. Tết năm nào, tôi cũng tìm mua tranh thư pháp với những nét chữ bay bổng hàm chứa nhiều may mắn, thuận lợi cho gia đạo” .

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua…”

Trên nền giấy đỏ, giấy hồng - những màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành, hàng trăm bức thư pháp với lời cầu chúc sức khỏe, gia đạo bình an và hạnh phúc... đã và đang dần được lan tỏa. Bằng tình yêu, đam mê cùng thư pháp, các ông đồ trên địa bàn thành phố góp phần gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống. Qua đó, giúp mọi người nhớ về Tết xưa để thêm trân trọng Tết nay cùng những giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông ta để lại. Nghệ sỹ Nguyễn Văn Út, Thành viên Câu lạc bộ Thư pháp Huế chia sẻ: “Ngày nay, thư pháp đang trở nên phổ biến hơn, không chỉ ở những ông đồ mê chữ, cho chữ, mà rất nhiều bạn trẻ cũng là những nghệ sỹ tài ba của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Tìm đến với nghệ thuật thư pháp vào mỗi dịp đầu xuân không chỉ là cách để tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn góp cho hương sắc của ngày xuân càng thêm đậm đà”.

Ngày xuân, hòa vào dòng người xuôi ngược du xuân, hành hương, lẩn khuất trong sắc hồng của những cánh hoa đào e ấp sắc Xuân, vẫn thấy hình ảnh thân quen của những ông đồ với nét chữ thư pháp tài hoa, bởi lẽ, hồn dân tộc vẫn mãi đậm đà trong tập tục văn hoá đẹp…

Nguyễn Hiếu