559
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 05/10/2018 13:45
Bảo tàng Văn hóa Huế - Điểm kết nối giá trị văn hóa xưa và nay
Tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng, trên trục đường Lê Lợi, vị trí trung tâm của thành phố Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế được thành lập vào ngày 09/7/2012 trên cơ sở Nhà bảo tàng Huế - là điểm đến văn hóa cho những ai yêu Huế.
Bảo tàng Văn hóa Huế

Khu vực sông Hương hiện đang dần trở thành khu trung tâm phục vụ văn hóa, du lịch của thành phố Huế, là điểm đến thu hút du khách ở trong và ngoài nước. Tuyến đường Lê Lợi cùng kiến trúc cảnh quan bên bờ sông Hương cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Là một thiết chế văn hóa đặc thù của thành phố Huế, trong 5 năm qua, với chức năng nghiên cứu khoa học, giáo dục, truyền thông, sưu tầm, tư liệu hóa, bảo quản, trưng bày tài liệu - hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, tuyên truyền và phát huy tác dụng của các di sản văn hóa - lịch sử trên địa bàn, Bảo tàng Văn hóa Huế từng bước tập trung nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu những giá trị nổi trội của vùng đất Huế theo nhiều chủ đề về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tâm linh...

Hiện tại, Bảo tàng cũng đang kế thừa (của Nhà bảo tàng Huế) sở hữu khá nhiều hiện vật. Bảo tàng đã sưu tập được hơn 5.000 hiện vật gồm: gốm, đồng, đá... là bằng chứng sống động của văn hóa dân gian, đặc biệt là đời sống tín ngưỡng vốn rất phong phú của người dân Huế. Trong đó, có những bộ sưu tập điêu khắc, bia “lá đề” thuộc văn hóa Champa và khá nhiều hiện vật đá quan trọng thể hiện dấu ấn của triều đại Tây Sơn. Hàng nghìn ảnh tư liệu về phong trào đấu tranh đô thị tại Huế... Đặc biệt là hơn một vạn trang tư liệu Hán - Nôm tại các làng xã vùng Huế đã được sưu tầm, nghiên cứu và số hóa. Sự quan tâm, hỗ trợ của các nhân sỹ, trí thức, các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập, họa sỹ… đã trao tặng cho Bảo tàng những hiện vật quý như: 12 cổ vật gốm Việt từ thế kỷ III đến thế kỷ XVIII, bao gồm hiện vật gốm thời Giao Chỉ, Lý, Trần, Lê của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn; 12 cổ vật gốm và hạt chuỗi thuộc văn hóa Sa Huỳnh có niên đại từ 2.000 đến 2.500 năm và 9 cuốn thư tịch cổ Chăm pa của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh; các tác phẩm nghệ thuật của Nhóm Hội Ngộ gồm 6 bức tranh (chất liệu sơn dầu, mực ấn giấy, đồ họa, in độc bản,…) và 02 con nghê (chất liệu composit) - linh vật của Việt Nam vừa được phục chế thành công; 10 tờ tiền giấy của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền Đông Dương với các mệnh giá khác nhau của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh…

Liên hoan Những cánh bay Việt Nam

Trong thời gian qua, Bảo tàng Văn hóa Huế cũng đã phối hợp với một số đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động, thu hút đông đảo người xem, được công chúng đánh giá cao.

Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề song hành cùng "Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017" đang diễn ra tại thành phố Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế phối hợp với Quỹ Hòa bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đêm Văn hóa Tịnh Yến với sự tham dự của hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế.

Đêm Văn hóa Tịnh Yến là câu chuyện kết hợp giữa âm nhạc, trang phục và ẩm thực bên sông Hương, dẫn dắt mọi người quay ngược thời gian, bước vào một không gian khánh tiết trang trọng với việc trình tấu nghệ thuật ca Huế thính phòng, gian trưng bày áo dài tân thời và giới thiệu ẩm thực chay Huế đã để lại cho người tham dự những dấu ấn đậm nét về sự tinh tế của người phụ nữ Việt Nam trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc - yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

Bảo tàng Văn hóa Huế đã phối hợp với Viện Goethe tại Việt Nam và bà Thái Kim Lan tổ chức trưng bày giới thiệu bộ sưu tập áo dài xưa với chủ đề “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” trong không gian nghệ thuật sắp đặt của nữ nghệ sĩ đa phương tiện người Đức Veronika Witte; triển lãm đem lại nhiều cảm xúc khác biệt cho người xem với 11 chiếc áo dài xưa quý hiếm được người trong hoàng tộc và triều đình tặng lại cho bà Thái Kim Lan và được bà gìn giữ trước mọi biến cố thăng trầm của dân tộc, nay lần đầu tiên trưng bày tại Huế - quê hương của bà.

Những bộ áo dài nhiều thể loại thuộc nhiều tầng lớp xưa tại Huế mặc, như Long bào vua Khải Định, áo vua, áo dài hoàng thái hậu, áo dài mệnh phụ công nương, áo gấm xanh rêu, áo xiêm, áo rộng màu đỏ lửa lựu, áo dài gấm the, áo dài lụa vàng, áo dài lụa vân xanh… đã đưa tới một cái nhìn tổng quát mà thú vị về quốc phục xưa ở nước ta.

Nhà thiết kế Viết Bảo giới thiệu tà áo dài truyền thống đến Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh

Tại các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế là nơi tổ chức khá nhiều sự kiện như trưng bày, triển lãm, tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn. Tiêu biểu như: Triển lãm Mỹ thuật  của họa sỹ 3 miền Bắc - Trung - Nam “Sắc màu lần thứ V”, trưng bày Kimono Nhật Bản, Gốm nghệ thuật Minh Long, “Những cánh bay Việt Nam” với 150 con diều đủ thể loại của các CLB Diều trong cả nước; giới thiệu sản phẩm được làm từ nguyên liệu giấy dó trúc chỉ, chạm bạc, kim hoàn, các bộ sưu tập áo cung đình, tranh thêu… cùng các bộ sưu tập của thành phố Saijo Nhật Bản và không gian trưng bày nghề thủ công của TP Gyeongju Hàn Quốc, kỹ thuật dệt may của Pháp…

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong bốn năm qua, Ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế là một hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Với mong muốn đưa Ca Huế chính thống đến gần hơn với đông đảo khán thính giả, không gian Ca Huế thính phòng ra đời và được duy trì vào tối thứ 3 và tối thứ 6 hàng tuần, là nơi giữ ngọn lửa đam mê và tâm huyết của nhiều thế hệ. Nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ ưu tú như Thanh Hương, Lệ Hoa, Hồng Lê cùng nhiều nhạc công của Ca Huế đều đặn sinh hoạt ở đây, vừa để kéo mọi người gần lại, hiểu đúng về Ca Huế, vừa truyền nghề lại cho lớp hậu sinh. Hiện nay Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng có tổ chức dạy học các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt... cho những ai có niềm đam mê với âm nhạc dân tộc.

Trong không gian lắng đọng, những khúc ca tri âm, tri kỷ được các nghệ nhân, nghệ sĩ gửi đến người nghe một cách nhẹ nhàng theo từng cung bậc réo rắt của tranh, tỳ, nhị, nguyệt, của sáo trúc, đàn bầu… với các làn điệu Ca Huế, như: Cổ bản, Nam ai, Nam bình, Tương tư khúc, Long ngâm, Tứ đại cảnh, hòa tấu Mười bản ngự… đã thu hút du khách, làm phong phú thêm điểm đến để du khách thưởng thức Ca Huế cùng với với Ca Huế trên sông Hương. Đây là sự vinh danh nghệ thuật Ca Huế, một giá trị văn hóa phi vật thể của Thừa Thiên Huế và của đất nước.

Triển lãm tranh tại Bảo tàng Văn hóa Huế

Nhận thức bảo tàng phải tìm đến với công chúng đã làm thay đổi nhiều cách tổ chức hoạt động của bảo tàng nói chung và Bảo tàng Văn hóa Huế nói riêng. Cùng với các hoạt động chuyên môn như nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục..., thì vai trò của công chúng, của cộng đồng dần được đề cao. Sự hợp tác, cộng tác của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá với các hoạt động đa dạng để lôi cuốn khách đến tham quan kể từ khi khai mạc cho đến lúc kết thúc cuộc trưng bày như các hoạt động trình diễn, biểu diễn, hội thảo, toạ đàm, chiếu phim …

Là một loại hình thiết chế văn hóa ở vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống và cách mạng, nơi kết nối và lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, của vùng đất văn hóa Huế, những kết quả ban đầu của Bảo tàng là tiền đề tốt cho sự phát triển sau này.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Văn hóa Huế cũng cần có sự đổi mới và sáng tạo hơn nữa. Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, hội nhập về văn hóa, Bảo tàng phải góp phần khẳng định bản sắc văn hoá dân tộc, làm cho văn hoá trở thành nền tảng tinh thần cho sự phát triển, chú trọng thể hiện sâu sắc hơn nữa khía cạnh văn hoá trong tất cả các chủ đề trưng bày của Bảo tàng, làm rõ nét văn hoá đặc sắc của từng địa phương, tạo được nét hấp dẫn riêng của mình, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố văn hóa ASEAN”, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị sinh thái, văn hóa, cảnh quan thân thiện môi trường” trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

Châu Thu Hà