384
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục - Du lịch

Cập nhật lúc : 22/07/2021 15:16
200 hình ảnh, tư liệu trưng bày chuyên đề “Nghề điêu khắc Than đá Quảng Ninh”
Sáng 22/7, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức Khai mạc trưng bày chuyên đề “Nghề điêu khắc Than đá Quảng Ninh”. Đây là một trong những hoạt động để duy trì và phát huy sự liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bảo tàng; đồng thời góp phần gìn giữ và phát nét đẹp văn hoá nói riêng tại 2 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước: Thừa Thiên Huế - Quảng Ninh; giới thiệu đến du khách những nét độc đáo và giá trị nghệ thuật của làng nghề thông qua quá trình hình thành, phát triển của ngành than và những sản phẩm mỹ nghệ than đá mang nét đặc trưng vùng miền.

Trưng bày chuyên đề  “Nghề điêu khắc Than đá Quảng Ninh” chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ than đá phản ánh qua hơn 200 hình ảnh tư liệu quý và các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu được thể hiện trong 2 chủ đề Tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển ngành than; Sản phẩm mỹ nghệ than đá.


Điêu khắc than đá đã trở thành nét văn hóa riêng biệt của Quảng Ninh, được đánh giá là một nghề truyền thống gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất mỏ. Than đá được hình thành qua rất nhiều biến động địa chất trên bề mặt trái đất cùng các tầng lớp động, thực vật phân hủy kết tủa từ hàng triệu năm trước. Cảm nhận và trân trọng giá trị của nguồn “vàng đen” quý giá các nghệ nhân vùng đất mỏ đã tạo ra nhũng sản phẩm tuyệt đẹp, sống động chứa đựng nhiều hình tượng ý nghĩa. Như bao nghề truyền thống khác trên đất nước Việt Nam, “Nghề điêu khắc than đá” có lúc thăng, lúc trầm theo quy luật. Tuy nhiên vậy, bằng tình yêu mãnh liệt với hòn than quê hương, với nghề truyền thống, các nghệ nhân vẫn luôn cháy hết mình, thổi hồn vào từng tác phẩm. Đây chính là nguồn di sản quý giá đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và thế giới.

Hoạt động trưng bày chuyên đề lần này góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề, đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy sự đam mê, sáng tạo về nghệ thuật và tình yêu dành cho nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh nói riêng và các làng nghề truyền thống khác trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam nói chung, nêu cao tinh thần tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, ngành nghề truyền thống của đất nước.

Châu Thu Hà