610
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 05/11/2023 22:35
Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quả Thanh trà Huế
Khái niệm “chỉ dẫn địa lý”đã không còn quá xa lạ đối với thị trường người tiêu dùng. Theo Luật Sở Hữu trí tuệ, “chỉ dẫn địa lý” là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để xây dựng giá trị các sản phẩm chủ lực đặc trưng của tỉnh TT – Huế so với các địa phương khác trong và ngoài nước. Thời gian qua, các ban ngành, chính quyền địa phương bằng nhiều giải pháp đã xây dựng , quản lý và phát triển thành công chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm quả thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó khẳng định chất lượng, đồng thời nâng cao giá trị của mặt hàng này trên thị trường trong và ngoài nước.

Được lưu truyền trong câu chuyện dân gian như một sản vật tiến vua có từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu vào cuối thế kỷ 17,cứ bước vào độ chín giữa tháng 7 âm lịch hàng năm, những trái bưởi Thanh trà – hay còn được biết đến rộng rãi với tên gọi Thanh Trà Huế lại nức tiếng gần xa bởi mùi vị thơm ngon hoà quyện cùng hương thơm đặc trưng vốn có. Mà đã là Thanh trà ngon, chắc chắn phải là Thanh trà xuất xứ từ làng Nguyệt Biều, Lương Quán, nay là phường Thuỷ Biều, TP Huế. Để làm nên khác biệt này, theo nhiều chuyên gia, đó là sự kết hợpgiữa nhiều yếu tố, từ đất đai, khí hậu, kinh nghiệm nhà vườn, cho đến giống thanh trà.Chính vì vậy, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Thanh trà Huế là điều vô cùng cần thiết đối với hàng trăm hộ trồng thanh trà của địa phương nói riêng và TT – Huế nói chung nhằm khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị của thương hiệu Thanh trà Huế trên thị trường.  Chủ nhà vườn Thanh trà tại phường Thủy Biều TP Huế chia sẻ: "Về thanh trà thì đã có từ lâu đời, nhưng mà chỉ dẫn địa lí đó là quyền lợi của bà con, đó là sự mong mỏi và sự cần thiết của bà con, cũng như nhà vườn”.

Bà Lê Thị Lan Dung Đại diện HTX  Thanh trà Thuỷ Biều cho biết: “Thời gian gần đây người mua sắm rất quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Họ vào địa chỉ truy xuất nguồn gốc thì có thể biết được các thông tin quan trọng về quả thanh trà, từ cách chăm sóc, chất lượng sản phẩm, khi đó họ mới an tâm để sử dụng. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho quả thanh trà vì thế rất quan trọng!”.

Với uy tín là một đơn vị nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực đất, phân bón và cây trồng, Viện Thổ nhưỡng Nông hoáđã được tỉnh TT- Huế giao chủ trì thực hiện Dự án“Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm quả Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế”. Thông qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai nhiều dự án về xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nông sản trong cả nước như: Chỉ dẫn địa lý “Đồng Giao” cho sản phẩm dứa tỉnh Ninh Bình; Chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh” cho sản phẩm hạt dẻ tỉnh Cao Bằng; Chỉ dẫn địa lý “Lục Ngạn” cho sản phẩm vải Thiều tỉnh Bắc Giang… Viện Thổ nhưỡng Nông hoá đã bắt tay vào các công đoạn: từ Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc đăng ký và quản lý CDĐL; Đăng ký Chỉ dẫn địa lý; Thiết lập và vận hành hệ thống quản lý CDĐL; Xây dựng và triển khai các hoạt động phát triển giá trị CDĐL cho đến Hoàn thiện mô hình quản lý, sử dụng và phát triển CDĐL “Huế” cho sản phẩm quả Thanh Trà. Kết quả, sau gần 02 năm triển khai, đã có hơn 40 hộ với 10% tổng diện tích trồng Thanh trà trên địa bàn tỉnh tiếp cận thành công với Chỉ dẫn địa lý Huế; giá trị của quả Thanh trà nhờ đó cũng tăng lên từ 20 – 25% so với trước khi có CDĐL, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.  

TS Lương Đức Toàn, TrưởngBộ môn Sử dụng đất, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho biết: “Điều kiện đầu tiên đó là chúng ta cần phải thành lập được Hội Thanh trà Huế. Đây là tổ chức của những người quan tâm đến sản phẩm thanh trà, trồng và kinh doanh thanh trà Huế. Bên cạnh đó thì phải có sự phối hợp nhịp nhàng của các Sở Ban ngành thì mới đảm bảo được các tiêu chí để làm sao sản phẩm Thanh trà Huế càng ngày càng phát triển và tạo ra sự đặc thù của Chỉ dẫn địa lý”.

Định hướng phát triển ngành nông nghiệp của TT – Huế giai đoạn 2021-2025 với nội dung Xây dựng mô hình sản xuất cây Thanh trà an toàn, chất lượng làm trọng tâm. Theo đó, việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm quả Thanh Trà của tỉnh Thừa Thiên Huế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, có những dự báo chính xác nhằm khai thác lợi thế và tăng giá trị tài sản trí tuệ trong từng sản phẩm. Hoạt động này cũng được kì vọng sẽ góp phần hình thành một mạng lưới chuyên gia hoạt động để hỗ trợ, phổ biến và hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện các chính sách, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của từng địa phương.

Tiến sĩ Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh TT – Huế chia sẻ: “Chúng ta phải làm sao để người trồng thanh trà phải có ý thức sử dụng thương hiệu Thanh trà Huế để bồi tụ giá trị của thương hiệu đã được tạo lập. Điều đó buộc người dân phải trồng và chăm sóc thanh trà theo các quy chuẩn, trong đó chăm sóc và trồng theo hướng hữu cơ kết hợp với các ứng dụng khoa học, công nghệ. Chúng ta phải làm cho quả thanh trà thực sự ngon, và đảm bảo chất lượng để khách hàng chấp nhận mua với giá cao, khi đó mới có thể giữ được uy tín và chất lượng của quả thanh trà.”

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù quy mô và sản lượng quả thanh trà mang Chỉ dẫn địa lý Thanh trà Huế vẫn còn khá khiêm tốn. Nhưng đứng trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng, thì việc định hình thương hiệu và phát huy giá trị của chỉ dẫn địa lý đối với Thanh trà Huế cần được quan tâm nhiều hơn, nhằm mở ra hướng đi bền vững để từng bước đưa Thanh trà Huế vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Thành Nhân