Công tác đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong tổng thể phát triển và đối ngoại của Việt Nam, đã được Đảng, Chính phủ quan tâm, triển khai từ rất sớm nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực này. Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động hiệu quả, ổn định, trong đó có việc ban hành Nghị định số 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 về đăng ký và quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Kể từ khi Nghị định 58 được ban hành, Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN đã tổ chức nhiều Hội nghị triển khai Nghị định nhằm tuyên truyền rộng rãi Nghị định tới các địa phương cũng như các tổ chức PCPNN.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, dù có giai đoạn thăng trầm, nhưng với thiện chí của các tổ chức cũng như môi trường đối ngoại ngày càng rộng mở của Việt Nam, vai trò của các tổ chức PCPNN ở Việt Nam ngày càng được nâng cao; bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau, các tổ chức PCPNN đã góp phần hỗ trợ giải quyết tốt các vấn đề ở cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng, cần nhiều hơn sự hợp tác, hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ về nguồn lực, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn từ các nhà tài trợ và tổ chức PCPNN. Các cơ quan, địa phương cũng cần tiếp tục rà soát, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các tổ chức PCPNN, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương và tổ chức PCPNN ngoài, không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCPNN.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc các cơ quan chức năng, địa phương và tổ chức cùng trao đổi, chia sẻ về hoạt động PCPNN tại Việt Nam, từ đó đánh giá những xu hướng mới, điều kiện mới, nhu cầu mới về viện trợ PCPNN của các địa phương, làm rõ hơn định hướng và kế hoạch của các tổ chức PCPNN để từ đó hoạch định các chương trình hợp tác phù hợp. Mong muốn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ về nguồn lực, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn từ các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề xã hội, giúp Việt Nam phát triển ngày càng bền vững và toàn diện.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận về việc triển khai Nghị định 58. Đại diện của Bộ Công an làm rõ thêm về công tác quản lý an ninh trật tự với các tổ chức PCPNN; Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định về công tác quản lý và hướng dẫn sử dụng viện trợ PCPNN; Ngân hàng Nhà nước đã trình bày tham luận công tác quản lý ngân hàng, tài chính vi mô...
Các ý kiến liên quan đến chính sách, văn bản pháp luật cũng được ban tổ chức và các tổ chức PCPNN trao đổi thẳng thắn. Trong đó, các nội dung như quản lý, phối hợp khi xử lý tình trạng hồ sơ xin cấp mới, gia hạn, bổ sung, sửa đổi giấy đăng ký; thủ tục, trình tự và thời gian phê duyệt các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài; thủ tục tuyển dụng lao động của các tổ chức PCPNN… được nhiều đại biểu quan tâm.
Tại phiên gặp gỡ giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các tổ chức PCPNN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, Thừa Thiên Huế đã và đang mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, kết hợp huy động tốt các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; trong đó có sự phối hợp hỗ trợ của các tổ chức PCPNN. Thừa Thiên Huế mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức PCPNN với cơ chế, chính sách phù hợp và theo quy định pháp luật. Tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, song công tác PCPNN trong trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nâng cao nặng lực dự báo, phòng chống thiên tai, giải quyết hậu quả chiến tranh, giáo dục, chăm sóc y tế, hỗ trợ người khuyết tật, bảo tồn văn hóa di sản, biến đổi khí hậu, phát triển du lịch bền vững, giao thông xanh… tại các vùng gặp khó khăn tại địa phương.
Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt tiếp nhận 111 khoản viện trợ với vốn cam kết là 12 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 59 dự án (trong đó có 12 phi dự án) đang còn hoạt động với tổng giá trị cam kết 16 triệu USD. Các khoản viện trợ tiếp tục được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chính: Khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt và dịch bệnh Covid-19; giảm thiểu nguy cơ bom mìn; giáo dục - đào tạo; giải quyết các vấn đề xã hội; môi trường; bảo tồn trùng tu di tích; phát triển kinh tế -xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển, Thừa Thiên Huế vận động các tổ chức PCPNN tài trợ vào 11 lĩnh vực, trong đó, nổi bật là lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn kết hợp xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển ngành y tế; Giáo dục và đào tạo; Đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp; Giải quyết các vấn đề xã hội Dân số, gia đình và trẻ em; Môi trường; Khắc phục hậu quả chiến tranh; thành phố xanh, giao thông xanh, Smart City, chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cảm ơn những ý kiến trao đổi, đề xuất của các đại biểu tại buổi gặp gỡ, nhằm giúp tỉnh nắm bắt những định hướng viện trợ, những tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong thời gian tới, nhằm tăng cường việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương của các nước trên thế giới.
Văn Bốn