Ngày mới tại vùng bãi ngang xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, ghe thuyền của bà con ngư dân thôn Tân Thành ken đặc nối đuôi nhau ra khơi và trở về ngay trong buổi sáng để kịp chợ trưa. Nếu như những năm trước đây, ngư dân phải mất công, hao tốn nhiều nhiên liệu ngược xuôi trên biển mênh mông dò tìm luồng cá thì nay khoảng 01 - 02 giờ vươn khơi, tôm cá đã “nhảy múa” đầy khoang theo chân những bạn thuyền về đất liền. “Chưa năm mô làm đạt như năm ni, đời sống bà con khá phấn khởi”. Ngư dân Dương Quang Phú, Xã Quảng Công, huyện Quảng Điền cho biết.
Chia sẻ về những đổi thay của vùng quê ven biển, Ông Huỳnh Thiện Cứ, Thôn trưởng thôn Tân Thành, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền cho hay, giai đoạn 2016 - 2020, do sự cố môi trường biển Formosa, người dân làm ăn rất vất vả. Nhưng giờ đây nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nguồn lợi thủy sản đã hồi sinh rõ rệt.
Trở lại khoảng thời gian của gần 10 năm trước, đặc biệt là thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển Formosa khiến các giống loài thủy sản sụt giảm nghiêm trọng, bà con ngư dân phải đối mặt với vô vàn những khó khăn do nguồn lợi thủy sản suy kiệt. Cho đến những năm gần đây, người dân vùng biển vẫn khổ sở với tình trạng khai thác tận diệt mà điển hình là nạn dã cào trái phép ven bờ. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời của chính quyền và ban ngành các cấp, cùng với đó là ý thức của cộng đồng ngư dân - những người hưởng lợi trực tiếp từ nghề biển - ngày càng được nâng lên, nguồn lợi thủy sản đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, cùng với đó những hình thức khai thác tận diệt cũng từ đó giảm hẳn.
Được mùa cá, ghe thuyền nối đuôi nhau vươn khơi
Vùng biển lộng đã và đang hồi sinh như cái cách mà những con người nơi chân sóng vượt lên khó khăn của nghề biển để hướng đến một cuộc sống đủ đầy sung túc. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, sau sự cố môi trường biển Formosa, nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên Huế cũng như các địa phương ven biển suy giảm đáng kể. Chúng tôi đã nỗ lực trong việc phục hồi nguồn lợi và quyết liệt đấu tranh với các tình trạng khai thác dã cào qua các hình thức như thả chà rạo nhân tạo, tạo bãi sinh trưởng cho các giống loài, kết hợp phòng chống dã cào. Nhờ đó nguồn lợi thủy sản giờ đây đã có những phát triển tốt, đem lại thu nhập cho bà con ven biển.
Vùng bãi ngang yên bình với ghe thuyền vào ra tấp nập như tái hiện lại khung cảnh các vùng quê ven biển một thời cá, tôm dồi dào. Hiểu được những giá trị mà nguồn lợi thủy sản hồi sinh đem lại, cộng đồng ngư dân lại càng trân trọng hơn và chung tay gìn giữ môi trường biển - ngôi nhà chung của các giống loài và cũng là sinh kế ngàn đời của cha ông.
Thành Nhân