524
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 08/06/2015 09:16
Thương mại điện tử thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xây dựng nền hành chính công hiện đại
Đến nay, hơn 70% các chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015 đã thực hiện được. Đây là thành công lớn để tiếp tục đẩy mạnh phát triển TMĐT Thừa Thiên Huế trong giai đoạn tiếp theo, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 - 2020.
Nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh được quảng bá thương hiệu website điện tử

Đứng vị trí thứ 12 về chỉ số thương mại điện tử

 

Đầu năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015, với mục tiêu đến năm 2015, thương mại điện tử được ứng dụng trong tất cả các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh và quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn về TMĐT và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phần mềm công cụ kinh doanh, thiết kế website miễn phí. Qua đó, đã giúp nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như diễn biến của thị trường để phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.

Tính đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (khoảng 5 nghìn DN) đã kết nối Internet, trong đó có trên  70% có giao dịch thương mại điện tử và khoảng 30% doanh nghiệp có website (trong đó có khoảng gần 7% doanh nghiệp thực hiện thông báo và đăng ký website Thương mại điện tử theo quy định của Bộ Công Thương).

Bên cạnh đó, việc cung cấp trực tuyến các dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử đã được triển khai trên toàn tỉnh. Đến nay, các thủ tục hành chính đã được nâng lên thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3 và 4 với 2.930 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.

Đáng chú ý là, dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên đã được triển khai ở một số lĩnh vực như thủ tục đăng ký kinh doanh (mức độ 4) tại sở Kế hoạch và Đầu tư; kê khai thuế qua mạng (mức độ 3) tại Cục thuế tỉnh và đến tháng 9/2015 sẽ nâng lên mức độ 4; hệ thống Hải quan tỉnh đã thực hiện 100% khai báo điện tử cho doanh nghiệp. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp đăng ký sử dụng chữ ký số tăng nhanh, đến nay đã có 3.639 các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để kê khai thuế điện tử, 1439 doanh nghiệp đăng ký sử dụng chứng thư số.

Nhờ đó, năm 2014, tỉnh Thừa Thiên Huế đứng vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chỉ số thương mại điện tử. Trong đó đứng vị trí thứ 5 về chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, đứng thứ 10 về chỉ số giao dịch B2C (doanh nghiệp bán cho người dùng), đứng thứ 33 về chỉ số giao dịch B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) và đứng vị trí thứ 5 về giao dịch G2B (dịch vụ công trực tuyến).  


Tạo bước đột phá mới

 

Đầu năm 2015, Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) đã triển khai đề án Hỗ trợ xây dựng website và hệ thống thông tin nội bộ cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở công nghiệp nông thôn (CSCNNT) được lựa chọn để hỗ trợ như: cơ sở bún tươi Nguyễn Thượng, cơ sở bún khô Châu Văn Bắc, cơ sở chế biến nước mắm Hồ Thị Giang (Quảng Điền), cơ sở mộc mỹ nghệ Gia Bảo, cơ sở chế biến dầu tràm Mai Đình Hưng (Phú Lộc), cơ sở Huỳnh Văn Sơn (Nam Đông)… Đề án sẽ hỗ trợ miễn phí thiết kế website, tên miền và hosting trong năm đầu tiên, các năm tiếp theo doanh nghiệp sẽ đóng phí duy trì tên miền và hosting theo quy định của nhà cung cấp dịch vụ.

Ông Nguyễn Duy Thành, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đề án trên không những giúp cho tỉnh nắm bắt được nhu cầu về ứng dụng TMĐT của các CSCNNT để hỗ trợ trong thời gian tới, mà còn tạo điều kiện cho việc xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tập trung để quảng bá thương hiệu đặc sản của tỉnh.

Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền phổ cập thương mại điện tử, tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cho thương mại điện tử và hình thành sàn giao dịch điện tử cho các sản phẩm mang thương hiệu Huế thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng viễn thông tương thích với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời khuyến khích phát triển công nghệ phần mềm, nhanh chóng thiết lập hệ thống thanh toán điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và xây dựng trang website điện tử. Tăng cường các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại, tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và các hội chợ có quy mô lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho một số sản phẩm nông nghiệp, đặc sản tiêu biểu của địa phương, tổ chức hội nghị kết nối nhằm đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương vào các kênh phân phối lớn, hệ thống siêu thị.

Với các hoạt động trên nhằm đưa thương mại điện tử tại Thừa Thiên Huế trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các mục tiêu đề ra theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 - 2020. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định. 


Sông Hương