1222
+ aa -

Kinh tế

Cập nhật lúc : 12/05/2017 17:02
Thừa Thiên Huế: Tiềm năng A Lưới sẽ được “khởi sắc”
A Lưới là huyện miền núi phía Tây thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, với nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, sản phẩm du lịch… để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua những tiềm năng này vẫn chưa được “đánh thức” thật sự.

 

Với mong muốn có một A Lưới khởi sắc, thu hút các nhà đầu tư, là điểm đến cho du khách. Ngày 16/5/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND huyện A Lưới tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trên địa bàn với nhiều lĩnh vực du lịch, phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ, trồng cây dược liệu…

 

Nằm trong trục hành lang kinh tế Đông - Tây, trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, A Lưới có nhiều loại hình để phát triển du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa của đồng bào dân tộc… Các địa danh thu hút du khách tham quan loại hình di tích lịch sử cách mạng như: cụm địa đạo Động So, địa đạo Lam Sơn, đồi A Bia (còn gọi là đồi Thịt Băm – di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), động Tiên Công, địa đạo Puúc, địa đạo A Đoon, địa đạo A Bó, địa đạo Tà Lương, địa đạo Cốp, sân bay A So, sân bay A Lưới, sân bay A Co… Du lịch sinh thái với những thắng cảnh tuyệt đẹp như chuỗi thác liên hoàn A Nôr (xã Hồng Kim), hay thác Pông Chất, suối Pâr Le (xã Hồng Hạ), hang Kềnh Crâm (xã A Roàng), suối nước nóng Tôm Trung… Du ngoạn thám hiểm rừng nguyên sinh thì có khu đa dạng sinh học dãy rừng nguyên sinh chạy dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hùng vĩ. Bên cạnh đó, du khách được tham quan cấu trúc các nhà ở truyền thống như nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà Rông của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Ka Tu, xem dệt thổ cẩm truyền thống (Zèeng), các lễ hội của các dân tộc như: lễ A riêu caar, lễ A riêu Ada (lễ mừng lúa mới), lễ A Riêu Piing (lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mả), lễ hội cầu mùa (A riêu tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ giúp đỡ)… Ngoài ra, tại địa phương còn có rất nhiều khu vực để phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, xây dựng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Đặc biệt, A Lưới có 2 cửa khẩu quốc gia Cu Tai - Hồng Vân và A Đớt - Tà Vàng.

 

 

Để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện A Lưới năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành đã tổ chức buổi khảo sát các địa điểm du lịch hướng đến mục tiêu thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư với các lĩnh như: Xây dựng Trung tâm thương mại huyện A Lưới (quy mô 0,3ha, vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng), Xây dựng Khu du lịch sinh thái A Nôr (quy mô 7,5ha, vốn đầu tư khoảng 50 tỷ), Dự án Khu du lịch sinh thái suối nước nóng A Roàng (quy mô 10ha, vốn đầu tư khoảng 60 tỷ), Dự án Xây dựng trang trại chăn nuôi bò, lợn (quy mô 20 ha, vốn đầu tư khoảng 18 tỷ), Xây dựng Khu du lịch sinh thái suối Pâr Le (quy mô 5 ha, vốn đầu tư khoảng 50 tỷ), Trồng cây diệu liệu (quy mô 10 ha, vốn đầu tư khoảng 20 tỷ), xây dựng nhà máy chế biến dăm gỗ…

 

 

Phát biểu trong chuyến khảo sát, Ông Phan Thiên Định - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: A Lưới là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch lớn, ngoài những cảnh quan thiên nhiên phong phú thì còn có sự đa dạng văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy rất tốt. Sự phát triển du lịch sẽ tạo ra động lực mới, thu hút du khách, nhà đầu tư đến đây tiềm kiếm cơ hội. Việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lần này nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của A Lưới đến với mọi người; sau đó, sẽ kết nối với nhiều nhà đầu tư để giới thiệu nhiều dự án khác để họ nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) chia sẻ: Việc lần đầu tiên UBND huyện A Lưới tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư sẽ tạo ra “cú hích” để các nhà đầu tư quan tâm đầu tư đến lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và các ngành nghề khác, qua đó sẽ tạo sự khởi sắc trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nếu kết hợp thành công ba mô hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng thì A Lưới sẽ trở thành vùng ba phát triển du lịch toàn tỉnh, ông Hùng nhấn mạnh.




Tiềm năng lớn, tuy nhiên việc xây dựng cơ chế đầu tư và hưởng lợi phù hợp từ việc khai thác tiềm năng du lịch và đầu tư phát triển kinh tế cho địa phương có lợi thế cũng là vấn đề cần bàn đến. Do vậy, cần có giải pháp đồng bộ, hỗ trợ nguồn vốn vay, xây dựng khâu thông tin, tập huấn hướng dẫn người dân đầu tư khai thác các dịch vụ; hoàn thiện công tác quy hoạch chi tiết các điểm du lịch, các điểm đầu tư trên địa bàn, hướng đến phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, trung tâm chăn nuôi, trồng trọt… kết hợp phát huy các nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thì A Lưới sẽ được “đánh thức”.

 

Nguyễn Tuấn